Chuyện tình lính đảo Trường Sa



(Biển Đảo) - Với 19 năm tuổi quân, Trung úy QNCN Nguyễn Hữu Thủy, nhân viên kỹ thuật đảo Trường Sa Lớn đã có gần 140 tháng gắn bó, thực hiện nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Nhìn vóc dáng rắn rỏi và nụ cười giản dị luôn hiện hữu trên gương mặt, ít ai biết được người chiến sĩ hải quân này đã kìm lòng với bao cảm xúc, buồn đau để vững vàng thực hiện nhiệm vụ.


Gửi yêu thương theo con sóng


Năm 2000, chiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy, công tác ở đảo Sơn Ca (Trường Sa, Khánh Hòa) được nghỉ phép về quê ở thị trấn Thạch Hà (Hà Tĩnh). Cũng vào thời điểm đó, Trường Đại học Vinh (Nghệ An) tổ chức cho sinh viên về thực tập tại Trường PTTH Lý Tự Trọng gần nhà anh. Ngày đó, để tiện cho việc học tập, trải nghiệm, các sinh viên “xin” ở trọ các hộ dân gần trường. Nhà Thủy cũng có 3 nam sinh viên xin ở nhờ. Biết Thủy là lính đảo, có 5 năm gắn bó với Trường Sa, tính tình hiền lành, dễ gần, dễ mến, nên các sinh viên rỉ tai nhau, giới thiệu cho anh lính hải quân một cô bạn gái hiền ngoan, dễ thương nhất trong nhóm sinh viên thực tập.



Trung úy QNCN Nguyễn Hữu Thủy.



Cô bạn mà Thủy được giới thiệu là Thái Thị Minh, ở trọ tại một gia đình láng giềng với nhà anh. Được sự “tác hợp” của chủ nhà, chỉ mấy tối sang hàn huyên, trò chuyện, anh bộ đội hải quân đã chiếm được cảm tình của cô sinh viên năm cuối đại học. Câu chuyện của hai người chủ yếu xoay quanh những tâm tình về biển, đảo, về những vất vả, gian truân của người lính đảo. Mấy ngày phép ngắn ngủi cũng đủ để Thủy đặt niềm tin và xin được địa chỉ của Minh.


Về với đảo, Nguyễn Hữu Thủy “gửi” yêu thương lại nơi quê nhà. Đều đặn, sau những giờ công tác vất vả, anh giành thời gian viết lời yêu thương gửi về cho Minh. Hồi đó, thư gửi đi phải mất 6 tháng mới về đến đất liền và ngược lại. Thủy kể: “Ngày ấy, tàu bè ra Trường Sa chưa nhiều như bây giờ, nên khi có tàu ghé thăm đảo, mình lại tức tốc viết thư gửi về quê nhà. Thường thì tàu chỉ cập đảo 1-2 ngày, nhưng có lẽ vì cảm xúc trào dâng, nên có khi mình viết được đến vài lá thư cho gia đình và người yêu”.


Qua mỗi cánh thư, tình yêu cứ thế lớn dần, để đến một ngày họ hứa hẹn chuyện trăm năm.


Nguyện ước của người lính biển


Năm 2001, Thủy được nghỉ phép 45 ngày về thăm quê. Dù đã yêu nhau gần 2 năm, nhưng thời gian họ gặp nhau chưa đầy nửa tháng. Bởi thế, anh Thủy quyết định dành thêm 30 ngày nữa để được yêu thương. Trước ngày nhận nhiệm vụ trở lại đảo, 2 người tổ chức đám cưới trong niềm vui chung của gia đình và đơn vị. Cưới nhau được vài ngày, anh lại phải trở về với biển và kịp để lại cho người vợ hiền giọt máu của mình.


Sau khi sinh con, chị Minh xin về dạy ở huyện Tương Dương (Nghệ An) cách nhà hàng trăm cây số và mang con nhỏ đi theo. Có lần cháu Nguyễn Hữu Thái Quân bị ốm, chị thuê xe ôm chở con hơn 160km đi xuyên đêm về bệnh viện TP Vinh cấp cứu, nhưng anh không hề hay biết. Lần khác, chị Minh bị viêm màng não, phải nhập viện dài ngày; có thời điểm gia đình gặP khó khăn về kinh tế, việc lo toan “cơm, áo, gạo, tiền” đè nặng lên đôi vai người vợ trẻ, chị Minh phải vay ứng lương để chữa bệnh và đóng học cho con… Thế nhưng chẳng hiểu vì sao, trước những biến cố tưởng rằng khó có thể vượt qua, sức lực của người vợ bé nhỏ trở nên phi thường. Chị thầm lặng chịu đựng và tìm cách vượt qua để anh an tâm bám đảo, bám biển.


Sau mỗi chuyến công tác dài, về với gia đình anh mới biết được những vất vả, hi sinh của vợ. Anh tự trách mình, vì những lúc gia đình gặp khốn khó, khi các con được sinh ra, anh đều không có mặt. Thậm chí, sau những chuyến đi, về với gia đình anh cảm thấy đắng lòng khi con sợ “người lạ”, đêm đến các con không cho bố nằm cạnh, không cho bố âu yếm, thơm vào má… Càng như vậy, anh lại càng thêm yêu vợ. Có bận anh trách yêu chị: “Sao em không chia sẻ cùng anh!”. Chị lại cười tủm tỉm hạnh phúc: “Thì bây giờ anh đã biết cả rồi. Em muốn anh yên tâm thực hiện đam mê bám biển, gắn bó với đảo”


Chị Minh nói đúng, suốt 19 năm quân ngũ, anh Thủy miệt mài với những chuyến công tác ở Trường Sa. “Chu kỳ hoạt động” của anh là: Ra đảo, thực hiện nhiệm vụ, về đất liền, nghỉ tranh thủ, tham gia tập huấn rồi lại ra với đảo. Anh đã 2 lần ra Trường Sa Lớn công tác, 3 lần ở đảo Song Tử Tây, 2 lần ở đảo Sơn Ca và cũng đã gắn bó với các đảo Nam Yết, Sinh Tồn…


Vừa qua, được gặp anh ở đảo Trường Sa lớn, chúng tôi gắng tìm hiểu về đời tư của anh. Người lính biển với nước da đen sạm, nở nụ cười hiền: “Vẫn biết nơi quê nhà vợ con gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mình đã trót yêu biển, trót mang trong mình niềm khát khao được công tác, cống hiến ngoài chốn trùng khơi này”.


Anh Thủy chia sẻ, để thực hiện được hoài bão gắn bó với biển, đảo là nhờ có những đóng góp cả về công sức và những lời động viên của người vợ thủy chung, đảm đang nơi quê nhà. Ngày xưa, khi mới yêu, chị Minh từng hứa với anh: “Yêu anh em sẽ chấp nhận tất cả mọi khó khăn”. Và 13 năm xây dựng gia đình, chị Minh đã chứng minh được lời hứa đó với anh. Chị luôn là hậu phương vững chắc để anh theo đuổi con đường binh nghiệp. Đó cũng là lý do anh thường xung phong ra công tác ở Trường Sa.


“Nhưng bây giờ, các cháu cũng đến lúc cần vòng tay của bố, mình mong muốn sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyến công tác Trường Sa lần này sẽ được tổ chức quan tâm, tạo điều kiện về công tác gần nhà, gắn bó với gia đình để bù lại những vất vả, hi sinh của người vợ”- Anh Thủy trải lòng.


Chiều dần buông, anh Thủy đưa ánh mắt về hướng mặt trời lặn hồi lâu. Đôi mắt vừa toát lên vẻ cương trực vừa đăm đắm nỗi niềm riêng khó tả.


(Theo Quân Đội Nhân Dân)




Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:




Thích và chia sẻ bài này trên:






Chuyện tình lính đảo Trường Sa

Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY




Tải clip phim ảnh video bài: Chuyện tình lính đảo Trường Sa
Link download movie cine hd: Chuyện tình lính đảo Trường Sa


Việt 247 mới nhất

 

© 2010 Việt 247 All Rights Reserved Thesis WordPress Theme Converted into Blogger Template by Hack Tutors.info