Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao đến từ Trung Quốc
(Pháp luật) - Theo Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang trở thành mối nguy hại lớn trên giới. Hằng năm chúng gây thiệt hại khoảng 400 tỉ USD, cao hơn số tiền mà tội phạm buôn bán ma túy thu được. Ở Việt Nam đã xuất hiện các ổ nhóm tội phạm công nghệ cao hoạt động.
Bài 1: “Làm xiếc” với thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng giả rút tiền thật
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50)Công an Hà Nội liên tiếp triệt phá thành công các ổ nhóm tội phạm đánh cắp thông tin hoặc làm giả thẻ tín dụng nhằm chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, trong các ổ nhóm bị triệt phá, luôn có sự góp mặt của các đối tượng là người Trung Quốc.
Giữa tháng 1-2014, PC50 thực hiện lệnh bắt khẩn cấp hai đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc là Jiang Yong và Yu Wei về hành vi sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông, thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, 3 đối tượng người Việt Nam cũng bị bắt về hành vi này là Nguyễn Huy Long, Hoàng Thị Minh, Vũ Thanh Quang.
Qua công tác nắm tình hình, PC50 phát hiện Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Khánh Minh (có trụ sở ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chuyên kinh doanh tranh thêu do Vũ Thanh Quang làm giám đốc, có phát sinh 77 giao dịch thanh toán qua hệ thống thẻ POS (máy thanh toán bằng thẻ tín dụngPV) từ ngày 27-12-2013 đến ngày 7-1-2014. Công ty này đã quẹt mã tài khoản của các ngân hàng nước ngoài, tổng sổ tiền đã giao dịch là hơn 5 tỉ đồng. Do nghi là giao dịch “ảo” nên phía ngân hàng mà công ty này mở điểm giao dịch chỉ báo có 6 giao dịch thành công, tương đương với 432 triệu đồng.
Vào cuộc điều tra, Cơ quan Công an xác định, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Khánh Minh câu kết với nhóm đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc để sử dụng thiết bị kỹ thuật số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng người Trung Quốc mang thẻ tín dụng giả sang Việt Nam, còn Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Khánh Minh mở điểm chấp nhận giao dịch thẻ tín dụng bằng hệ thống thẻ POS. Sau đó, chúng dùng thẻ tín dụng giả để quẹt thanh toán tiền mua tranh thêu của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Khánh Minh, nhưng thực tế giao dịch mua bán không xảy ra. Khi chiếm đoạt được tiền của chủ thẻ tín dụng, các đối tượng chia nhau theo tỷ lệ 70/30 (các đối tượng Trung Quốc hưởng 70%, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Khánh Minh được 30%). Ngày 10-1, PC50 phối hợp với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45)Công an Hà Nội bắt khẩn cấp 5 đối tượng nói trên, thu giữ 13 thẻ tín dụng, máy tính xách tay, thiết bị dập mã thẻ từ và 64 triệu đồng.
Tháng 4-2014, qua công tác nắm tình hình về tội phạm trên địa bàn, Công an huyện Thanh Trì phát hiện một nhóm đối tượng người Trung Quốc có biểu hiện sử dụng thẻ tín dụng giả để thanh toán tiền cước taxi. Các đối tượng này không đi xe mà thỏa thuận với lái xe taxi Hà Nội Group để quẹt thẻ thanh toán tiền, sau đó ăn chia. Tiếp nhận thông tin, PC50 phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) và Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) vào cuộc điều tra. Chiều ngày 22-4, Cơ quan Công an phát hiện các đối tượng đang thực hiện hành vi thanh toán khống tiền thông qua máy POS lắp đặt trên xe taxi. Các đối tượng được làm rõ là Phương Quang Thuận, Dư Chí Hùng, Lâm Bằng và Trần Sách Kiến.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng tại hai nhà nghỉ trên địa bàn quận Ba Đình, Cơ quan Công an thu giữ một máy tính xách tay, một máy ghi dữ liệu lên dải từ của phôi thẻ tín dụng, một máy dập nổi thông tin trên thẻ tín dụng, một máy POS và 109 thẻ tín dụng. Các đối tượng khai nhận, chúng mang các máy móc trên từ Trung Quốc vào Việt Nam để làm giả thẻ tín dụng. Chúng mua thông tin dữ liệu thẻ tín dụng (do hacker ăn cắp) trên các trang mạng nước ngoài. Sau khi nhập cảnh, các đối tượng bắt đầu làm thẻ tín dụng giả rồi thanh toán khống qua máy POS lắp trên xe taxi. Các đối tượng thực hiện 95 giao dịch, trong đó có 56 giao dịch thành công với tổng số tiền là hơn 54 triệu đồng.
PC50 phát hiện một số đối tượng người Trung Quốc thuê người Việt Nam để lập ra các công ty “ma”. Sau đó chúng lựa chọn các ngân hàng có dịch vụ thanh toán thẻ bằng máy POS và dùng thẻ giả chiếm đoạt tài sản. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, PC50 phối hợp với PC45, C50 bắt giữ Zeng Xiao Tian (quốc tịch Trung Quốc), Đinh Văn Chính và Nguyễn Thị Phương về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tang vật thu giữ là 2 ôtô, 1 xe máy, 5 máy POS, 2 máy làm giả thẻ tín dụng, 21 phôi thẻ chưa có dữ liệu, 45 thẻ tín dụng ghi chữ Trung Quốc và Việt Nam đã qua sử dụng.
Tại Cơ quan Công an các đối tượng khai nhận, năm 2013, Zeng Xiao Tian thuê Đinh Văn Chính đứng tên thành lập Công ty TNHH Ninh Cát (có địa chỉ ở phòng 2603, Tòa nhà Licogi 13, đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sau đó, Zeng Xiao Tian chỉ đạo Đinh Văn Chính tiếp tục thành lập thêm 3 “công ty ma”, gồm: Công ty TNHH Thương mại Phước Hiền (có địa chỉ ở quận Long Biên, Hà Nội) do Lê Trọng Hiền làm giám đốc; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bảo Phương (có địa chỉ tại ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Nguyễn Thị Phương làm giám đốc; Công ty TNHH Thương Mại Lực Long (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), do Hoàng Tiến Tuân làm giám đốc bù nhìn.
Toàn bộ hoạt động của các công ty do Zeng Xiao Tian điều hành. Hàng tháng Zeng Xiao Tian trả lương cho các giám đốc số tiền 20 triệu/tháng. Sau khi thành lập 4 công ty trên, Zeng Xiao Tian cùng Đinh Văn Chính lựa chọn các ngân hàng có dịch vụ thanh toán thẻ POS (thanh toán quẹt thẻ qua máy POS) như BIDV, Sacombank, Vietinbank, Vietcombank, Eximbank… mở tài khoản và hợp đồng dịch vụ thanh toán thẻ. Sau đó Zeng Xiao Tian dụng thẻ giả quẹt qua máy POS để chuyển tiền vào tài khoản các công ty nói trên và rút tiền tại các điểm giao dịch ngân hàng hoặc máy ATM. Sau khi công ty thành lập được vài tháng thì chúng bỏ đi rồi thành lập công ty mới. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1,2 tỉ đồng của các ngân hàng.
Kẽ hở công nghệ và luật pháp
Đại tá Ngô Minh Quang, Đội trưởng Đội 4PC50 Hà Nội nhận định: Nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ về loại tội phạm này là do công tác quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, quản lý vận hành các hệ thống máy tính của nhiều cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam còn nhiều sơ hở, chưa được bảo mật tốt. Hệ thống pháp luật của nước ta trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa đầy đủ và chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao còn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng. Đội ngũ cán bộ cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đa số còn trẻ, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật và nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm thực tế. Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu, lạc hậu chưa theo kịp sự thay đổi liên tục của lĩnh vực công nghệ cao dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, thu thập, bảo quản tài liệu, chứng cứ. Đó chính là những điều kiện tốt để tội phạm công nghệ cao sinh sôi nảy nở…!
(Xem tiếp kỳ sau)
(Theo Năng Lượng Mới)
Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:
Thích và chia sẻ bài này trên:
Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao đến từ Trung Quốc
Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY
|
Tải clip phim ảnh video bài: Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao đến từ Trung Quốc
Link download movie cine hd: Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao đến từ Trung Quốc