Ba đột phá cho diện mạo mới



(Kinh tế) - Năm 2014 – một năm sau khi thực hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua (năm 2012), cùng với Chương trình tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng đã được triển khai mạnh mẽ – Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được kỳ vọng sẽ có những diện mạo mới và sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.


Giống như hệ thống BHTG của hầu hết các nước trên thế giới, BHTGVN ra đời với những mục tiêu chủ yếu nhằm: Bảo vệ người gửi tiền nhỏ, lẻ, bị hạn chế về thông tin đối với các tổ chức nhận tiền gửi; Góp phần đảm bảo cho hệ thống tài chính – ngân hàng được hoạt động ổn định, ngăn chặn các trường hợp đổ vỡ trong hệ thống này và; Góp phần nâng cao tính cạnh tranh bình đẳng giữa các định chế tài chính và lành mạnh hóa sự phát triển của hệ thống tài chính.


Có thể nói, 3 mục tiêu này có mối quan hệ khăng khít, biện chứng với nhau và trong đó mục tiêu bảo vệ quyền lợi người gửi tiền được coi là ưu tiên hàng đầu. Và để mục tiêu bảo vệ tối đa quyền lợi người gửi tiền và cũng là góp phần thực hiện 2 mục tiêu còn lại, trong năm 2014, BHTGVN cần được tập trung vào 3 vấn đề chính:



BHTGVN góp phần tích cực làm ổn định thị trường tài chính



Thứ nhất, việc xác định hạn mức chi trả cho người gửi tiền một cách hợp lý trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi gặp khó khăn thanh khoản hoặc đổ vỡ là hết sức quan trọng. Nếu xét về khía cạnh tác động trực tiếp tới quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi và thị trường tài chính, mức độ Nhà nước chi trả phải đảm bảo tác động được tối đa tới càng nhiều người gửi tiền và càng nhiều số tiền gửi càng tốt.


Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh tác động gián tiếp, nếu như mức cam kết chi trả quá cao và quá rộng sẽ dẫn tới sự thờ ơ, ỷ lại của người dân trong việc đánh giá tín nhiệm, chất lượng của các tổ chức tín dụng để gửi tiền. Bên cạnh đó, cũng sẽ dễ dẫn tới các hành vi lạm dụng, lợi dụng chính sách, vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà không chú ý nâng cao hiệu quả hoạt động và củng cố hệ thống quản trị rủi ro của các tổ chức nhận tiền gửi.


Từ đó, lại làm cho rủi ro mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của các tổ chức nhận tiền gửi cũng như toàn bộ hệ thống ngày càng cao. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đều rất chú trọng xác định mức này hợp lý cho từng thời kỳ.


Thực tiễn cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đang có xu hướng tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm ngày một cao hơn và thậm chí trong thời kỳ khủng hoảng, nhiều nước đã cam kết trả toàn bộ 100% số tiền gửi. Điều này đã tạo được tâm lý rất ổn định của người gửi tiền và trong thực tế, quyền lợi người gửi tiền đã được bảo vệ một cách tuyệt đối.


Tại Việt Nam, từ năm 2005 đã và đang quy định mức chi trả, bồi thường cho tất cả các khoản tiền gửi tại một tổ chức tối đa là 50 triệu đồng và trong lúc thế giới đang xảy ra khủng hoảng tài chính – tiền tệ vừa qua thì Nhà nước cam kết bồi thường toàn bộ 100% số tiền gửi của người dân.


Đặc biệt là tại những thời điểm nhạy cảm của thị trường tài chính, NHNN đã đảm bảo cho các tổ chức nhận tiền gửi chi trả đủ cho người gửi tiền không ổn định về tâm lý đến rút tiền hàng loạt.


Như vậy, những quy định, cam kết và cách xử lý trong thực tiễn tại Việt Nam vừa qua đã đảm bảo được quyền lợi người gửi tiền và góp phần tích cực làm ổn định thị trường tài chính.


Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi mà kinh tế Việt Nam đang được kỳ vọng tiếp tục phát triển, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, thách thức sẽ làm cho thu nhập dân cư ngày càng cao thì lượng tiền gửi của dân cư cũng tăng theo, nhưng đồng thời nhu cầu phải ổn định tâm lý người gửi tiền cũng cao hơn.


Bên cạnh đó, mặt bằng giá của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian vừa qua kèm theo việc thực hiện chương trình tái cấu trúc hệ thống tổ chức tài chính tín dụng cũng đang tác động ít nhiều đến tâm lý người gửi tiền.


Vì vậy, việc xác định lại một cách hợp lý mức độ bồi thường, tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, góp phần thúc đẩy lành mạnh hóa và ổn định thị trường tài chính trong giai đoạn tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay là hết sức cần thiết.


Thứ hai, việc xác định mức phí phải nộp của các tổ chức tham gia BHTG cần mang tính chủ động và tích cực hơn. Xét về nguyên tắc, mức phí BHTG phải thể hiện rõ được trách nhiệm của tổ chức nhận tiền gửi đối với người gửi tiền trong trường hợp có đổ vỡ xảy ra. Thực tiễn trên thế giới đang tồn tại chủ yếu 2 phương pháp thu phí BHTG tùy theo mức độ phát triển của thị trường tài chính và năng lực của cơ quan quản lý, giám sát, BHTG.


Phương pháp thu thứ nhất là xác định một mức thu đồng hạng, thống nhất cho tất cả các tổ chức nhận tiền gửi. Ưu điểm của phương pháp thu này được coi là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là không làm thấy rõ sự khác biệt về trách nhiệm giữa các tổ chức với mức độ an toàn khác nhau đối với quyền lợi người gửi tiền nên không khuyến khích, thúc đẩy cạnh tranh giữa các tổ chức nhận tiền gửi đáng phải có trong nền kinh tế thị trường.


Vì vậy, phương pháp này chỉ thường được áp dụng đối với các thị trường tài chính còn sơ khai và cơ quan quản lý, giám sát và BHTG mới phát triển, việc xác định mức độ rủi ro của các tổ chức nhận tiền gửi còn nhiều khó khăn.


Phương pháp thu phí BHTG thứ hai là thu mức phí căn cứ vào mức độ rủi ro của tổ chức nhận gửi tiền. Nếu tổ chức nhận gửi tiền được đánh giá mức độ rủi ro (khả năng đổ vỡ) càng cao thì mức phí phải nộp cao hơn và ngược lại. Phương pháp này khắc phục được nhược điểm của phương pháp thứ nhất là sẽ khuyến khích các tổ chức nhận tiền gửi nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro.


Như vậy, với phương pháp thu thứ hai thì quyền lợi người gửi tiền cũng sẽ được đảm bảo tốt hơn và giảm thiểu gánh nặng của ngân sách Nhà nước trong trường hợp đổ vỡ. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp thu thứ hai đòi hỏi thị trường tài chính phát triển lành mạnh, minh bạch với cơ quan đánh giá rủi ro chính xác, khách quan tình hình của tổ chức nhận gửi tiền; đồng thời cơ quan BHTG cũng cần có những năng lực thực thi nhất định.


Cho đến nay, tại Việt Nam, cơ quan BHTG vẫn đang thực hiện thu phí theo phương pháp thứ nhất. Thu phí theo phương pháp này đã phù hợp với sự phát triển của thị trường tài chính cũng như năng lực của các cơ quan quản lý, giám sát, BHTGVN trong thời gian vừa qua.


Tuy nhiên, khi mà nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển đến mức độ cao hơn thì các yếu tố rủi ro (trong đó có các rủi ro của các tổ chức nhận tiền gửi với người gửi tiền) cũng sẽ đa dạng hơn và lớn hơn. Chính vì lẽ đó, Luật BHTG đã tạo cơ sở pháp lý làm tiền đề cho việc xây dựng một cơ chế thu phí căn cứ vào mức độ rủi ro của các tổ chức nhận tiền gửi nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền và có thể nói năm 2014 là thời điểm thuận lợi để bắt đầu thực hiện chính sách này.


Thứ ba, xây dựng cơ chế trao đổi, tiếp nhận và xử lý thông tin hiệu quả. Như trên đã nói, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của cơ quan BHTG là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền không có điều kiện thu thập, đánh giá, thẩm định hoạt động, rủi ro của tổ chức nhận tiền gửi. Muốn làm được như vậy, cần phải có cơ chế để xác định và xử lý có hiệu quả được đồng bộ trên cả 2 kênh thông tin chủ yếu sau:


Giữa người gửi tiền với tổ chức nhận tiền gửi, cho phép người gửi tiền đánh giá được trực tiếp tổ chức nhận tiền gửi, từ đó, có thể tự bảo vệ được quyền lợi của chính mình. Và, giữa các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính và cơ quan BHTG với tổ chức nhận tiền gửi. Trong trường hợp này, quyền lợi người gửi tiền được thực hiện thông qua sự tín nhiệm của họ đối với các thông tin, đánh giá của các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính và cơ quan BHTG. Do đó, người gửi tiền dựa hoàn toàn vào thông tin, đánh giá của cơ quan quản lý, giám sát và BHTG.


Để thực hiện được việc này, thực tiễn trên thế giới, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng tài chính-tiền tệ, đã cho thấy có nhiều mô hình trao đổi thông tin khác nhau để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, nhưng không có một mô hình nào được coi là tối ưu tuyệt đối và có thể áp dụng chung cho mọi quốc gia. Vì vậy, cho đến nay, hầu hết các quốc gia đều căn cứ vào điều kiện thực tế của mình để xác định các mô hình trao đổi thông tin này.


Trong 3 vấn đề nêu trên, có thể thấy vấn đề hạn mức trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền và mức phí BHTG phải nộp có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ và biện chứng với nhau và khi điều chỉnh thì nên được điều chỉnh đồng thời. Còn cơ chế trao đổi thông tin là điều kiện cần thiết để BHTGVN hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức năng của mình.


Bên cạnh đó, để các vấn đề này được thực hiện tốt hơn nếu các cơ quan có liên quan và BHTGVN cũng cần triển khai, thực hiện đồng bộ với việc ban hành các quy định khác hướng dẫn Luật BHTG như: quy định về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, chế độ tài chính cụ thể của BHTGVN…


Nếu thực hiện được các nội dung nêu trên, hoàn toàn có thể tin tưởng Luật BHTG sẽ phát huy tốt tác dụng, năm 2014, BHTGVN sẽ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là với sứ mạng bảo vệ tốt nhất và hiệu quả quyền lợi người gửi tiền.


TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia


(Theo Thời Báo Ngân Hàng)




Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:




Thích và chia sẻ bài này trên:






Ba đột phá cho diện mạo mới

Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY




Tải clip phim ảnh video bài: Ba đột phá cho diện mạo mới
Link download movie cine hd: Ba đột phá cho diện mạo mới


Việt 247 mới nhất

 

© 2010 Việt 247 All Rights Reserved Thesis WordPress Theme Converted into Blogger Template by Hack Tutors.info