Ai tiếp tay cho ông Hồ Xuân Mãn thành “anh hùng lực lượng vũ trang”?
(Chính trị) - Ban Bí thư vừa kết luận xem xét hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân của ông Hồ Xuân Mãn (nguyên Ủy viên Trung ương (UVTƯ) Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế). Ông Mãn khai man, gian dối, ‘chạy” thành tích và có sự “tiếp tay” của không ít cán bộ. Phóng viên Báo Công an TPHCM đã tìm ra nhiều sự thật xung quanh vụ việc này.
KHAI MAN ĐỂ ĐƯỢC PHONG ANH HÙNG
Trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên – Huế lần thứ ba vào ngày 21-8-2010, ông Hồ Xuân Mãn được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (gọi tắt là danh hiệu Anh hùng). Đây là vinh dự lớn không chỉ của ông Mãn mà đối với toàn thể nhân dân cố đô Huế. Một tháng sau, ông Mãn về hưu sau hai nhiệm kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy (2000 – 2010).
Ngày 2-1-2014, đoàn công tác Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương (T.Ư) Đảng có buổi làm việc thông báo kết luận với nội dung: Ban thi đua – khen thưởng T.Ư báo cáo các cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền xem xét hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng và thu hồi hiện vật, tiền thưởng của ông Mãn; đồng thời UBKT T.Ư chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đã để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trong việc xét đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn. Theo kết luận của UBKT T.Ư, 17 thành tích mà ông Mãn khai chỉ đúng có hai. Tuy nhiên, một trong hai thành tích lại gây hậu quả xấu, đó là diệt giặc nhưng làm tổn hại đến cách mạng, nhân dân địa phương.
Như vậy, 15 thành tích còn lại ông Mãn khai đều là bịa đặt, gian dối như: đã tự tổ chức đơn vị đánh gần 100 trận, diệt 150 tên Mỹ – Ngụy, phá hủy 1 máy bay, 37 xe quân sự (1969 – 1975); dẫn đường cho Quân đoàn 2 giải phóng Huế và truy quét ngụy quân, ngụy quyền… Thành tích “láo” đồng nghĩa với những tặng thưởng cũng được nghi vấn là giả mạo: 33 lần được tặng Dũng sĩ diệt Mỹ; Chiến sĩ thi đua; các Huân chương Chiến công, Giải phóng; Kháng chiến các hạng…
Kết quả trên gây chấn động dư luận, nhưng không làm mọi người bất ngờ bởi chuyện danh hiệu Anh hùng của ông Mãn đã bị nghi ngờ và tố cáo từ lâu. Gần 20 cựu chiến binh (CCB), cán bộ hưu trí là những “nhân chứng sống”, những đồng đội, có người là chỉ huy của ông Mãn tố cáo ông cựu bí thư khai man, bịa đặt, cướp công đồng đội để được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một anh hùng sẽ bị tước danh hiệu. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế cho biết: “Sắp tới Tỉnh ủy sẽ thực hiện công việc theo kết luận của Ban Bí thư về thẩm quyền của tỉnh là xem xét sai sót, vi phạm các cơ quan, cá nhân trong tỉnh theo quy định. Dự kiến có thể ra Tết tiến hành kiểm điểm Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cá nhân liên quan”.
NHỮNG CÁ NHÂN, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN SAI PHẠM
Một con người “ưu tú, có thành tích xuất sắc” nhưng sau 10 năm làm cách mạng (như ông Mãn đã khai) mới được vào Đảng (năm 1974) và 25 năm sau ngày giải phóng mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng, khiến nhân dân nghi ngờ, không phục. Ông Mãn tự làm thành tích, không có đơn vị vũ trang hay tập thể giới thiệu, bầu chọn mà được đơn vị công tác (Tỉnh ủy) xác nhận. Bản báo cáo thành tích được 15 người của Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí với tỷ lệ 100%. Nghiêm trọng hơn, dù không ai biết cụ thể những việc ông Mãn làm, nhưng vẫn nhất trí với thành tích đó. Rồi hồ sơ lần lượt được chuyển đến Ban chỉ huy quân sự (CHQS) huyện, Bộ CHQS tỉnh, Quân khu 4, Bộ Quốc phòng và các ban ngành ở T.Ư.
Danh hiệu cao quý của Nhà nước trao nhầm người, là lỗi ở người khai đã bịa đặt. Nhưng cũng cần làm rõ trách nhiệm, sai phạm của cá nhân, tập thể đã “tê liệt”, để lọt hồ sơ giả. Trước đây, một số lãnh đạo tỉnh khẳng định với báo chí là việc xét tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn được thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc. Thế nhưng những người tố cáo nói hồ sơ này đi trái nguyên tắc: từ trên xuống chứ không phải dưới lên (cơ sở đề nghị, cấp trên xét duyệt) và người ký chỉ việc ký, không được đọc, sao lưu…
Ông Hồ Viết Bá, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, lúc đó là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đã ký xác nhận vào bản báo cáo thành tích. Việc làm này không đúng thẩm quyền vì ông Bá không phải là cấp trên của ông Mãn. Ông Bá cho biết: “Ban Bí thư đã có kết luận rồi và UBKT T.Ư đang làm, tôi nói sẽ không khách quan. Nếu sai đến đâu, kỷ luật ra sao thì tôi xin chịu, chấp hành theo quyết định của UBKT T.Ư, bây giờ biết nói sao?”.
Thượng tá Nguyễn Văn Lương, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phong Điền (đã nghỉ hưu) viết xác nhận: “Khi đang đương chức, là chỉ huy trưởng tôi có ký hồ sơ của anh Mãn và một số người khác nữa. Tôi có đọc thành tích của anh Mãn nhưng lâu rồi nên không nhớ hết”.
Đại tá Đặng Ngọc Nghĩa, Phó tham mưu trưởng Quân khu 4, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên – Huế (giai đoạn 2005 – 2011, một trong 15 người thuộc Thường vụ Tỉnh ủy từng ký xác nhận hồ sơ cho ông Mãn) thừa nhận: “Tôi ký vào tờ trình chấp hành theo nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy. Lúc đó 100% thường vụ đều nhất trí, không ai phản đối gì. Ngành quân đội làm chặt chẽ từ Ban CHQS huyện lên tỉnh, sau đó đề nghị ra Quân khu 4, Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng rồi Nhà nước. Lúc đó ông Mãn là Bí thư Tỉnh ủy, ông cũng có công qua hai nhiệm kỳ. Tôi là lớp hậu sinh, ông Mãn khai thế nào thì biết vậy và ông ấy phải chịu trách nhiệm về lời khai”.
Thường vụ Tỉnh ủy lúc đó gồm 15 người là cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các ban ngành của tỉnh, hiện đa số đều đang đương chức hoặc chức vụ cao hơn. Với câu hỏi: 15 người nhất trí với hồ sơ của ông Mãn mà không phát hiện ra bất thường, không ai phản đối gì mặc dù không rõ về thành tích của ông Mãn?
Tiếp tục liên hệ với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng cùng Ban thi đua khen thưởng tỉnh để tìm hiểu về tờ trình, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là “bận họp” hoặc gặp “UBKT T.Ư mà hỏi”. Chiều 6-1-2014, phóng viên liên hệ với ông Lê Hồng Liêm, Phó chủ nhiệm UBKT T.Ư thì ông nói đang họp ở Hà Nội và không thể trả lời qua điện thoại.
“ÔNG MÃN MÀ ANH HÙNG THÌ HUẾ CÓ HÀNG NGHÌN NGƯỜI”
Các CCB, cán bộ hưu trí – những người vạch trần sự gian dối của ông Hồ Xuân Mãn đã nói như thế. Ông Hoàng Phước Sum (trung tá), nguyên Đội trưởng An ninh huyện Phong Điền) cho biết: “Hay tin Mãn được phong anh hùng, nhân dân Phong Điền và nhiều nơi trong nước phản ứng dữ lắm. Mãn mà anh hùng thì hàng nghìn người ở Huế cũng là anh hùng. Chúng tôi (gần 20 cán bộ hưu trí, CCB) là những đồng đội, nhiều người là cấp trên của Mãn, cùng chiến đấu, cùng quê với Mãn, quá hiểu về Mãn. Lúc đó, anh em đã làm đơn khiếu nại nhưng không được trả lời, giải quyết. Đến khi có bản báo cáo thành tích của Mãn, anh em mới có cơ sở để tố cáo. Nay Ban Bí thư có kết luận Mãn bịa đặt thành tích và đang xem xét thu hồi danh hiệu. Anh em phấn khởi lắm vì vụ việc nhạy cảm và phức tạp đã được T.Ư giải quyết khách quan, nghiêm minh”.
Các CCB cho biết nguyên nhân vạch trần Hồ Xuân Mãn là vì uy tín, sự trong sạch của Đảng; vì danh dự của quân đội, trách nhiệm đối với những liệt sĩ; vì sự thật chứ không hề có tư thù cá nhân. Trong quá trình chống tiêu cực, những người tố cáo tự bỏ tiền túi ra đi nhiều nơi để thu thập tài liệu, chứng cứ; tìm thêm nhân chứng; gặp lãnh đạo, ban ngành có liên quan. Trong thời gian đó, họ đối diện với nhiều cạm bẫy, nguy hiểm: bị mua chuộc, dụ dỗ, tung tin thất thiệt, đe dọa, hành hung… Việc này đã được báo cáo đến cơ quan ban ngành từ T.Ư đến địa phương đề nghị làm rõ, nhưng nay vẫn chưa có kết quả.
Thật đau đớn khi những người cùng chiến đấu với Hồ Xuân Mãn không ai xem là đồng đội, bởi ông ta đã cướp công của chính đồng đội mình. Ông Mãn còn bị chính người trong dòng tộc tố cáo, tẩy chay. Ông Hồ Văn Nghĩa, nguyên Trưởng ban an ninh huyện Phong Điền, chú ông Mãn cho rằng bị ông Mãn lừa, cho người bịt mặt đến hành hung mình. “Mãn gian dối, bịa đặt thành tích. Chạy đua để nhận anh hùng làm chi cho nhục. Giờ nó còn mặt mũi nào về quê nhìn anh em, họ hàng, làng xóm”, ông Nghĩa nói.
Các CCB tiếp tục đề nghị thu hồi danh hiệu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ông Mãn. Năm 2010, ông Mãn là một trong ba Bí thư Tỉnh ủy tiêu biểu của cả nước được tuyên dương vì có nhiều thành tích trong cuộc vận động này. Bởi theo ông Hoàng Phước Sum: “Mãn khai bịa đặt để được anh hùng thì không đủ tư cách, đạo đức, phẩm chất để cho các thế hệ học tập, noi theo”. Trong lần biểu dương đó, ông Mãn kể lại chuyện trong một lần đi công tác về, được vợ chuyển cho tập tài liệu kèm theo phong bì, bên trong có 3.000 USD. Ông liền mang đến báo cáo cơ quan và công an. Ông Sum nói: “Chuyện này khó tin quá, không ai chứng thực cả. Không ai đi đưa tài liệu cùng phong bì mà không nói tên, nói rõ mục đích”.
CHUYỆN VỀ ÔNG “VUA CỐ ĐÔ”
Cái tên Hồ Xuân Mãn rất “nổi tiếng”. Những ngày này, người dân bàn tán sôi nổi và bày tỏ vui mừng vì T.Ư kiên quyết thu hồi danh hiệu Anh hùng đã trao nhầm và đang chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục xử lý cán bộ vi phạm. Ban Bí thư chưa kỷ luật ông Mãn vì căn cứ Quy định 181 của Bộ Chính trị, theo tờ trình của Hội đồng chuyên môn bệnh viện sức khỏe miền Trung thì ông Mãn đang bị bệnh hiểm nghèo. Như vậy đến khi nào cơ quan chức năng xác nhận ông Mãn hết bệnh hiểm nghèo thì mới kỷ luật?
Những người tố cáo lại cho biết, ông Mãn vẫn đi lại bình thường và vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Ông Hoàng Tiến Dũng, một người đứng đơn tố cáo cho biết: “Tháng trước, Mãn đi dự đám cưới con của một lãnh đạo huyện tại xã Phong Hiền, cũng có ăn nhậu. Ông Mãn hát ba bài, trong đó có bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao”… Ngày 21-12-2013, ông Mãn ăn nhậu tại nhà cộng đồng thôn Vĩnh Hương, xã Phong An, cũng hát hò”. Ngày 3-3-2013, ông Mãn có mặt trong buổi lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. Và người dân xôn xao mỉa mai: Anh hùng dỏm đi dự lễ của anh hùng thật. Ngày 31-12, có mặt trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông Mãn ngồi ở một góc hội trường với vẻ buồn rầu…
Lúc còn đương chức, quyền lực ông Mãn đi kèm với tai tiếng. Trong bài “Đất cố đô có vua” (Báo Lao Động ngày 26-11-2005) và một số bài báo khác nói về ông cán bộ to nhất tỉnh đi nhậu ở một nhà hàng. Đoạn cao trào, “vua” ghì đầu cô gái hôn vào má trước mặt nhiều người. Cô gái vừa chửi “đồ mất dạy” vừa tát vào mặt “vua”. “Vua” liền hô hào nói chủ nhà hàng đuổi ngay cô tiếp viên. Vụ việc trên vẫn còn được nhiều người kể đến hôm nay. Ông Thương (trú phường Vỹ Dạ, TP.Huế), chủ một nhà hàng cho biết: “Trước đây, một số báo viết về ông Bí thư sàm sỡ nhân viên ở nhà hàng C.A, phường V., TP.Huế. Nhà hàng tôi tên Châu Anh, mọi người tưởng là xảy ra ở đó. Rồi khách vắng dần, tôi buôn bán không được phải trả lại mặt bằng, đi chỗ khác làm ăn. Có thể sự việc xảy ra ở một nhà hàng thân thiết của ông Bí thư. Tôi được nghe ông bí thư có “bảo kê” cho một người tên M. mở nhà hàng “Nhất Hồ”, nghĩa là: nhất Hồ Xuân Mãn và khu ăn chơi giải trí lớn ở thị xã Hương Trà. Thằng M. vốn sửa xe dạo, lang thang bụi đời nhờ có cha thân với ông bí thư mà phất lên nhanh chóng. Rồi M. thành lập Công ty vận tải Nhất Hồ nhưng sau đó tan rã từ khi ông bí thư về hưu”.
Ông Mãn có thú tiêu khiển là săn bắn chim. Cách đây 19 năm, trong một lần đi săn, đạn lạc làm chị H.T.T.P (43 tuổi, trú huyện Phong Điền) bị trọng thương. Sau chuyện đó, người dân mỗi lần thấy ông Mãn xách súng đi bắn chim thì tránh xa kẻo… lãnh đạn.
Hoàng Quân (Theo CATP)
Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:
Thích và chia sẻ bài này trên:
Ai tiếp tay cho ông Hồ Xuân Mãn thành “anh hùng lực lượng vũ trang”?
Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY
|
Tải clip phim ảnh video bài: Ai tiếp tay cho ông Hồ Xuân Mãn thành “anh hùng lực lượng vũ trang”?
Link download movie cine hd: Ai tiếp tay cho ông Hồ Xuân Mãn thành “anh hùng lực lượng vũ trang”?