Giáo sư Francois Huchet: ‘Trung Quốc bên bờ một sai lầm lớn?’
(Phản đối Trung Quốc xâm lược) - Trung Quốc cần thận trọng nếu không muốn mắc sai lầm chiến lược khi làm cho Việt Nam và nhiều nước láng giềng nổi giận vì những hành động ‘khiêu khích và thách thức’ chủ quyền, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc đương đại từ châu Âu.
Trao đổi với BBC hôm 23/5 từ Viện Nghiên cứu Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông của Pháp tại Paris (INALCO), Giáo sư Francois Huchet cho rằng tính toán của ê kíp lãnh đạo do ông Tập Cận Bình đứng đầu có thể đang dẫn tới ‘một sai lầm lớn’.
Sai lầm này có thể xảy ra với Trung Quốc, khi hàng loạt các quốc gia láng giềng ở khu vực lần bị đẩy tới thế ‘bắt tay nhau’ trong một dạng thức ‘liên minh mới’ được Hoa Kỳ hậu thuẫn để đối lại Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại thuộc Đại học Rennes II của Pháp, nói: “Sau một loạt các diễn biến, tôi cho rằng Trung Quốc đã đang nhận thấy một tình thế nguy hiểm, bên bờ xảy ra, khi một loạt quốc gia xung quanh Trung Quốc từ Nhật Bản tới Việt Nam, hay Philippines và Hàn Quốc thảo luận với nhau và đều nổi giận với Trung Quốc,
“Tôi nghĩ sẽ ngày một khó khăn hơn cho Trung Quốc đẩy tới các áp lực và đưa ra các hành động khiêu khích khác trong tương lai.”
‘Trung Quốc đã khôn ngoan?’
Trước câu hỏi liệu động thái đưa giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào khu vực Hoàng Sa trên Biển Đông có phải là một động thái và tính toán ‘khôn ngoan’ hay không, nếu Việt Nam, quốc gia lâu nay vẫn bị Trung Quốc gây áp lực về chủ quyền biển đảo, tìm cách tiếp cận gần hơn nữa với Hoa Kỳ và xoay hẳn lưng lại với Trung Quốc,
GS Huchet nói: “Rõ ràng là nếu Trung Quốc tiếp tục tỏ ra hung hăng trên các vùng biển ở khu vực như họ đã làm đặc biệt trong hai ba năm trở lại đây, chắc chắn các quốc gia bị thách thức và khiêu khích trong vùng sẽ tìm kiếm sự bảo vệ từ Hoa Kỳ,
“Chúng ta đã thấy xuất hiện hàng loạt các tuyên bố giữa các quốc gia đó với Hoa Kỳ, với Hoa Kỳ cũng tích cực hoạt động và hiện diện nhiều hơn trong khu vực trong hai năm trở lại đây,
“Tổng thống Obama đã nói Hoa Kỳ muốn trở lại ở khu vực và Hoa Kỳ cũng đã đang có lập trường rất mạnh mẽ, như trong chuyến thăm gần đây ở châu Á, tại Nhật Bản, ông Obama đã nói quần đảo Senkaku thuộc quyền tài phán của người Nhật,
“Do đó Hoa Kỳ đưa quần đảo này vào vùng ảnh hưởng của mình, do vậy, tôi nghĩ rằng mọi sự sẽ trở nên khó khăn hơn cho Trung Quốc nếu họ tiếp tục hung hăng, lấn tới,
“Bởi vì các hành động này của Trung Quốc không chỉ gây ra các xung đột đơn lẻ với từng quốc gia mà Trung Quốc khiêu khích, thách thức, mà còn tạo ra một dạng thức liên minh mới với Hoa Kỳ,
“Mà liên minh này sẽ không chỉ giới hạn ở các khu vực như Biển Đông, hay biển Hoa Đông, mà cũng liên quan tới cả nơi khác như Ấn Độ,
“Hiện tại Ấn Độ đang tìm kiếm nhiều hơn một liên minh với Hoa Kỳ từ năm 2005 tới nay, do đó, ở chung quanh Trung Quốc, có thể ngoại trừ Pakistan, Kazakhstan hoặc Bắc Hàn – quốc gia có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc,
“Nhưng chúng ta thấy một dạng liên minh để bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không dám hung hăng hơn và không dám mở rộng ảnh hưởng của nước này quá xa.”
‘Nếu VN kiện đòi Hoàng Sa?’
Trước câu hỏi liệu động thái giàn khoan Hải Dương 981 có thể khơi mào một tình huống bất lợi hơn cho Trung Quốc, khi Việt Nam, sau hơn bốn mươi năm ‘im lặng’, nay có thể vừa kiện Trung Quốc ra quốc tế về vụ giàn khoan, vừa kiện đòi Trung Quốc rút toàn bộ các lực lượng khỏi các đảo đã cưỡng chiếm trên Hoàng Sa từ năm 1974 và trả lại chủ quyền cho Việt Nam, nhà nghiên cứu nói:
“Trung Quốc hiện nay đang muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của mình và đẩy lui, đẩy hẳn Hoa Kỳ ra khỏi châu Á, để Trung Quốc có thể thống lãnh khu vực, không chỉ về mặt kinh tế như trong 20 năm trở lại đây, mà còn thống trị về mặt quân sự và bảo vệ các nguồn năng lượng,
“Cho nên đây không chỉ là vấn đề về dầu lửa, câu chuyện đi xa hơn thế rất nhiều, thế nhưng Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này,
“Vì các quốc gia láng giềng, trong đó đương nhiên có Việt Nam, nước có lịch sử rất phức tạp với Trung Quốc, đã đang và sắp đối đáp lại với những hành động đó. Do đó, tôi nghĩ Trung Quốc nên thận trọng mà không nên khiêu khích quá mức các quốc gia đó.”
Trước câu hỏi tính toán gì đang thực sự diễn ra sau các động thái mà ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc và bộ tham mưu của ông, đã quyết định tiến hành trong vụ làm nóng lên khu vực biển Đông từ đầu tháng Năm trở lại đây, Giáo sư Huchet nói:
“Trước đây, nội bộ của Trung Quốc có thể có tình huống một cánh quân sự nào đó trong Ban lãnh đạo cao cấp Trung Quốc có thể muốn tỏ ra mạnh mẽ và lấn lướt hơn bằng các động thái quân sự, so với cánh khác thiên hơn về ngoại giao,
“Nhưng qua những gì quan sát được, có thể đoán rằng các động thái đối ngoại và hướng ngoại cứng rắn vừa rồi của Trung Quốc, cho thấy các cánh quân sự, thiên về sức mạnh, đã không thể nào hành động mà không có sự nhất trí của ông Tập Cận Bình,
“Và tôi nghĩ đằng sau tất cả các động thái gần đây, từ thách thức, khiêu khích Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, Philippines và gần đây nhất là Việt Nam ở Biển Đông, rõ ràng đây là một toan tính nhằm thăm dò phản ứng của các quốc gia láng giềng và sự chống đối của Hoa Kỳ,
“Đương nhiên là nếu không có sự phản ứng nào đối kháng lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới, lấn lướt xa hơn, và họ sẽ có nhiều các hành động khác,
“Thế nhưng nay thì Trung Quốc đã thấy họ đã tạo ra sự khiêu khích quá lớn và đã gây ra phản ứng rất mạnh ở Việt Nam, và tôi chắc rằng, lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đang phải cân nhắc lại tình huống và chắc chắn họ sẽ phải thận trọng hơn với các hành động trong tương lai.”
‘Không thể trông đợi EU’
Được hỏi về việc liệu Liên minh Châu Âu (EU) có thể có vai trò nào đáng kể hay không cho Việt Nam trong trường hợp Hà Nội muốn đương đầu với Bắc Kinh trong tranh chấp về chủ quyền quốc gia, biển đảo và kiện Bắc Kinh ra quốc tế về vụ giàn khoan, nhà nghiên cứu từ châu Âu nói:
“Tôi có thể thẳng thắn nói rằng chúng ta không nên kỳ vọng bất cứ sự hậu thuẫn đáng kể nào của EU; ở khu vực này của thế giới, EU có một ảnh hưởng rất yếu, họ còn đang quá bận rộn với nhiều vấn đề phải giải quyết liên quan Ukraine,
“Tôi không nghĩ Liên minh Châu Âu sẽ có bất cứ một hành động nào ở khu vực này và thực tế EU không có thực lực hay sức mạnh quân sự để làm điều đó, cường quốc duy nhất có thể làm được một điều gì đó thực sự có ý nghĩa ở khu vực là Hoa Kỳ, chứ không phải là EU.”
Theo ông Huchet, ngoại trừ một vài tuyên bố mang tính chính trị, quốc tế có thể không nên kỳ vọng thêm ‘bất cứ điều gì to tát’ từ EU tại khu vực Biển Đông, tuy nhiên, một lần nữa, theo nhà nghiên cứu, Trung Quốc hiện nay nên thận trọng để tránh sai lầm.
Ông Huchet nói: “Trung Quốc đang thay đổi cách chơi, trong một hai chục năm trở lại, họ xuất hiện ở khu vực châu Á, Đông Nam Á như một đối tác đầu tư, hợp tác kinh tế,
“Thế nhưng sau khi được cho là đã nắm được nhiều lợi thế gây dựng được ở nhiều quốc gia trong khu vực, khẳng định được ảnh hưởng và vị thế kinh tài, họ lại muốn chuyển sang một bộ mặt khác, họ muốn chơi những con bài để đạt được sự thống trị ảnh hưởng và áp lực về an ninh, quân sự,
“Đây là điểm mà theo tôi, Trung Quốc phải hết sức thận trọng, nếu như họ không muốn phạm phải một sai lầm lớn tạo ra một liên minh chống đối Trung Quốc trong khu vực, cộng thêm với đối thủ lâu nay của họ là Hoa Kỳ,” ông Huchet nói với BBC.
‘Tạm rút nhưng sẽ quay lại?’
Giới quan sát hiện đang tiếp tục theo dõi và dự đoán các động thái, kịch bản xử lý cuộc xung đột xung quanh vụ giàn khoan HD-981 giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Hôm thứ Bảy, 24/5, Giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu từ Học viện Quốc phòng Úc nêu nhận định:
“Có vẻ như Trung Quốc sẽ rút giàn khoan dầu về nước trong hoặc trước ngày 15/8 tới để tránh mùa bão lớn trên biển… Các cơn bão sẽ đem lại cơ hội cho Trung Quốc xuống thang.”
Tuy nhiên nhà nghiên cứu này cho rằng Trung Quốc có thể sẽ trở lại và sau khi tạm rút, sẽ vẫn có những động thái bảo vệ ảnh hưởng tại khu vực.
“Nếu Trung Quốc thực sự muốn khoan dầu, họ sẽ đánh dấu vị trí giếng dầu sau khi giàn khoan khổng lồ này được đưa đi. Đồng thời Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các tàu hải cảnh ở khu vực được cho là có dầu,” GS. Thayer được dẫn lời nói thêm.
“Dự đoán Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc lập một vùng nhận dạng phòng không giới hạn phía trên đảo Hải Nam và quần đảo Trường Sa nhằm thiết lập thẩm quyền của thành phố Tam Sa.”
Theo nhà quan sát này, trước viễn cảnh đó, Việt Nam tiếp tục cần cân nhắc những biện pháp, trong đó các bước đi, động thái cả về pháp lý lẫn ngoại giao.
“Việt Nam phải tiếp tục đưa vụ việc này ra cộng đồng quốc tế, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bị cô lập. Việt Nam có thế đứng vững chắc, với điều kiện không bị khiêu khích bởi Trung Quốc…
“Việt Nam và Philippines là hai nước ở tiền tuyến trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Philippines mới đây là một bước đi rất tích cực,” ông Thayer nói với tờ báo mạng của Việt Nam.
(Theo BBC)
Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:
Thích và chia sẻ bài này trên:
Giáo sư Francois Huchet: ‘Trung Quốc bên bờ một sai lầm lớn?’
Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY
|
Tải clip phim ảnh video bài: Giáo sư Francois Huchet: ‘Trung Quốc bên bờ một sai lầm lớn?’
Link download movie cine hd: Giáo sư Francois Huchet: ‘Trung Quốc bên bờ một sai lầm lớn?’