Những yếu kém và thành tựu của ngành Ngoại giao trong 3 năm qua
(Nhìn lại chặng đường 3 năm của Chính phủ) - Được biết đến như những người nối những nhịp cầu, chuyển thông điệp Chính phủ và nhân dân Việt Nam đến với các nước bạn, cộng đồng quốc tế, không ít lần ngành Ngoại giao đã đem nhiều niềm vui về cho đất nước nhưng vẫn còn đó những yếu kém cần khắc phục. Đối với những người làm việc trong ngành Ngoại giao, thì công việc “ngoại giao” từ lâu không phải đơn thuần chỉ là “đi” mà là “đi” như thế nào để đem thành công về cho đất nước; để rồi sau những câu chuyện ngoại giao, những nỗ lực, phấn đấu miệt mài, sau niềm đam mê và nhiệt huyết mà cán bộ công nhân viên Ngoại giao cống hiến là những kết quả, thành công rực rỡ về vị thế của đất nước, cải thiện mối quan hệ, hợp tác trên diện rộng cả về vi mô, vĩ mô, đối tác chiến lược trên 200 quốc gia.
Để nhìn lại chặng đường 3 năm kể từ ngày các thành viên Chính phủ ra mắt Quốc hội nhiệm kỳ mới, Ban biên tập gửi đến bạn đọc bài viết của tác giả Hải Dương đề cập đến những thành quả đạt được mà Bộ Ngoại giao đã cống hiến, đã và đang thực hiện suốt 3 năm qua: 3/8/2011-3/8/2014 và những vấn đề tồn tại phải khắc phục.
Là cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Ngoại giao đảm nhiệm công tác ngoại giao, biên giới lãnh thổ quốc gia, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, quản lý Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.
NHỮNG THÀNH TỰU
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có quan hệ với ngoại giao với 180 nước, quan hệ kinh tế với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, quan hệ hợp tác chặt chẽ với cả năm nước thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Với các nước lớn chúng ta cũng đều có những mối quan hệ đặc biệt: Với Trung Quốc, ta có quan hệ “Đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện”; Quan hệ “Đối tác chiến lược” được thiết lập với Cộng hòa Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số quan hệ đối tác chiến lược khác. Mối quan hệ của Việt Nam và Hoa Kỳ có vấn đề về lịch sử, thể chế chính trị, quan điểm nhân quyền, tôn giáo còn nhiều điểm khác nhau nhưng ngày nay, mọi thứ đã phát triển theo chiều hướng tích cực và đang hướng tới tầm cao hơn khi lệnh cấm vận vũ khí sẽ được tháo dỡ hoàn toàn vào năm 2014 .
Ngoại giao Kinh tế
Nắm bắt xu hướng của quốc tế và chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm dần sự lệ thuộc kinh tế, quân sự vào một quốc gia, từ năm 2011, Bộ Ngoại giao đã đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế với Châu Âu. Thông điệp “mở cửa”, hợp tác toàn diện, bền vững được gửi đến tất cả các quốc gia trên thế giới; cộng với sự thân thiện, hiếu khách và sẵn sàng lắng nghe của cán bộ công nhân viên ngành Ngoại giao Việt Nam, trong năm 2011, giới chức cấp cao các nước bạn đã có rất nhiều cuộc trao đổi, viếng thăm Việt Nam dày đặc.
Năm 2011, Thủ tướng Đức Angela Markel cùng Phái đoàn tháp tùng 27 quan chức cấp cao của chính phủ Đức, 15 đại diện từ các doanh nghiệp hàng đầu của cường quốc kinh tế số một châu Âu, 5 đại biểu quốc hội thuộc 5 đảng khác nhau trên chính trường Đức cùng hơn 20 đại diện cơ quan truyền thông báo chí đã có chuyến thăm, đàm thoại, hợp tác toàn diện với Việt Nam cả về ngoại giao và kinh tế. Chuyến viếng thăm của Thái tử Đan Mạch Frederik André Henrik Christian vào tháng 11 mang đến cho Việt Nam tin vui, Đan Mạch sẽ hợp tác Việt Nam cả về mặt kinh tế lẫn giáo dục. Thông qua Bộ Ngoại giao, nhiều nhà đầu tư từ Úc đã quyết định sang Việt Nam tìm thị trường mới, đặc biệt là sau khi Bộ trưởng Thương mại Úc-ông Craig Emerson đàm phán thành công với Bộ Ngoại giao Việt Nam về chính sách mở cửa mới của Việt Nam!
Ngoài các hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, các cuộc tiếp xúc mang tính chiến lược cũng được Bộ Ngoại giao chú trọng cao. Bằng nỗ lực, kiên trì đàm phán, cuối cùng vào năm 2011, Tổng thống Israel-Shimon Peres cũng viếng thăm Việt Nam sau một năm trì hoãn. Đây là vị Tổng thống Israel đầu tiên đến Việt Nam và chuyến đi đặc biệt này tiến thẳng đến lời ngỏ Israel mong muốn hợp tác thương mại với Việt Nam. Từ khi tạo dựng mối quan hệ ngoại giao, hai nước đã thường xuyên có những chuyến thăm lẫn nhau ở nhiều cấp và đã củng cố sự hợp tác trên các lĩnh vực như thương mại, giáo dục, văn hóa, nông nghiệp và hợp tác kỹ thuật công nghệ cao. Tổng thống Israel Shimon Peres phát biểu rằng: “Tôi cho rằng, một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất giữa hai nước là nông nghiệp” nhưng thật sự hợp tác giữa Việt Nam và Israel là hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và hợp tác quân sự cũng là một trong những dấu ấn quan trọng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, ngoại giao kinh tế đã tích cực phát huy vai trò tham mưu cho Lãnh đạo cấp cao về tình hình kinh tế thế giới, kinh nghiệm phát triển của các nước trong điều hành kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy hơn nữa hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2013, Việt Nam vẫn duy trì mức thu hút FDI với con số ấn tượng, hơn 20 tỷ USD, tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những điểm sáng của ngành Ngoại giao trong năm qua là mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối mà kiều bào gửi về Việt Nam lại tăng mạnh so với các năm trước, ước đạt hơn 10 tỷ USD và vươn lên đứng thứ 7 trong các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Đặc biệt, lượng kiều hối này đã chuyển đến vùng nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh đóng góp vào xóa đói giảm nghèo. Lượng kiều hối trong thời gian qua đã đầu tư cho hơn 2.000 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư về Việt Nam.
Riêng trong năm 2012, lượng kiều hối đó là 10 tỷ USD, chiếm 10% xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Đây là nguồn tiền thực đóng góp vào phát triển đất nước, đóng góp vào bình ổn tỷ giá, cũng như tăng lượng dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Bộ Ngoại giao rất trân trọng và khuyến khích kiều bào ta tại nước ngoài, người Việt Nam làm việc, lao động, học tập ở nước ngoài gửi tiền về kiều hối về cho gia đình cũng đồng thời cho phát phát triển đất nước, đây cũng là việc ích nước lợi nhà.
Ngoại giao văn hóa
Lần đầu tiên Ngoại giao văn hóa được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng vào năm 2011.Tại trang 139, mục 12 của Văn kiện Đại hội Đảng XI có đoạn viết: “…Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh…”.
Năm 2012, công tác Ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh, tập trung vào việc triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020. Việt Nam đã cùng UNESCO tổ chức long trọng kỷ niệm 40 năm ngày UNESCO thông qua “Công ước bảo vệ Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới” (1972-2012). Việt Nam đã vận động thành công UNESCO công nhận các Di sản của Việt Nam như Thành nhà Hồ, Mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”…
Điểm nhấn nổi bật trong năm 2013, Bộ Ngoại giao đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế trong các tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Lần đầu tiên, Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc với số phiếu cao nhất trong số các nước ứng cử; được đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) niên khóa 2013-2014, tiếp đó là được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức UNESCO nhiệm kỳ 2014-2017.
Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Liên Nghị viện IPU vào năm 2015. Lần thứ hai trong APEC, Việt Nam được tín nhiệm đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017, và hiện nay đang tích cực triển khai cho việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ứng cử lần thứ hai vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ứng cử vào Ủy ban Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018. Những kết quả nêu trên của ngoại giao đa phương đã cho thấy Việt Nam không chỉ tham gia, mà còn khẳng định vai trò chủ động, tích cực là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. 8 tháng đầu năm 2014, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu và đây là tài liệu quý giá chứng minh Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam-không thể nào chối cãi được!
Nỗ lực bảo vệ chủ quyền
Giữa năm 2011, tình hình Biển Đông trở nên phức tạp, Trung Quốc ra sức hành xử ngang ngược, cắt cáp, phá hoại tàu Việt Nam; thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã nỗ lực kêu gọi bảo vệ chủ quyền với các nước khu vực và bạn bè quốc tế.
Bộ Ngoại giao đã chủ động tổ chức hội thảo quốc tế “Hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới” ở Hà Nội, và mời đại biểu đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đã cùng với 80 nhà khoa học Việt Nam thảo luận về vị trí chiến lược của biển Đông, diễn biến mới ở biển Đông trong thời gian gần đây và tác động của nó đến hòa bình, ổn định của khu vực; các giải pháp duy trì hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực.
Năm 2012, khi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam tiến hành thăm dò địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc cản trở và gây đứt cáp, bất chấp các lực lượng chức năng Việt Nam phát tín hiệu cảnh báo. Phản ứng trước những hành động trên từ phía Trung Quốc, ngày 3/12/2012, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những việc làm trên của Trung Quốc. Thể hiện bước đi mạnh mẽ hơn, vào tháng 8/2013, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia ASEAN, Thủ tướng Việt Nam đã đưa vấn đề Trung Quốc ngang ngược ra trước bạn bè quốc tế.
Không dừng lại, vào tháng 5/2014, Trung Quốc táo bạo hơn, thách thức Việt Nam khi đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam kịch liệt phản đối; lên án hành động của Trung Quốc tại hội nghị của LHQ. Bộ Ngoại giao đã chủ động tổ chức 5 lần họp báo quốc tế và cung cấp thông tin, bằng chứng khách quan đến giới báo chí, đồng thời tạo mọi điều kiện để nhà báo trong, ngoài nước đến khu vực giàn khoan tác nghiệp để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đại sứ Việt Nam tại các quốc gia đồng loạt lên án Trung Quốc và chủ động phản đối hãng thông tấn RIA Novosti của Nga khi đăng tải thông tin vu khống Việt Nam; phản đối kịch liệt luận điệu tráo trở của bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi xuyên tạc sự thật. Thông qua Bộ Ngoại giao, rất nhiều quốc gia như Úc, Mỹ, Nhật, Hàn… đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam và đánh giá sự hiếu chiến, ngang ngược của Trung Quốc trong vấn đề bành trướng lãnh thổ.
Song song đẩy mạnh ngoại giao giữ vững chủ quyền trên biển thì chủ quyền trên đất liền cũng được Bộ Ngoại giao rất mực chú trọng. Tháng 8/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối và yêu cầu Campuchia phải xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những phần tử cực đoan Khmer đã đốt quốc kỳ của Việt Nam tại PhnomPenh và có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, không để tình trạng trên tái diễn.
Sau rất nhiều nỗ lực của Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan, đến năm 2013, tình hình biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia cơ bản đã ổn định so với trên biển. Việt Nam và Lào đã hoàn thành công tác triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam-Lào với việc cắm 792 vị trí mốc, tương ứng với 834 cột mốc trên toàn tuyến biên giới 2.067 km (7-2013).
Hai nước Việt-Lào cũng đã ký Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới (7-2013). Trong năm 2013, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết ba năm thực hiện ba văn kiện về biên giới, và thúc đẩy tiến độ đàm phán tiến tới ký kết thành công Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc.
Quan tâm đến kiều bào, thúc đẩy hòa hợp dân tộc
Ngay từ khi tình hình Ukraine, Lybia có những diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao đã có những liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine để quản lý và có hình thức liên lạc với người dân Việt Nam tại Ukraine và đưa người lao động về nước an toàn. Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algeria đang phối hợp chặt chẽ với các công ty phái cử và sử dụng người lao động triển khai tích cực các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn cho các lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya. Bằng nỗ lực ngoại giao, tháng 8/2014, Chính phủ Tunisia đồng ý về nguyên tắc cho phép 67 công dân Việt Nam quá cảnh để tiếp tục sơ tán bằng đường hàng không từ Tunisia về Việt Nam.
Để tạo điều kiện cho kiều bào về nước và đẩy mạnh chính sách hòa hợp dân tộc, Bộ Ngoại giao đã có nhiều chính sách đối với kiều bào như được quyền mua nhà ở tại Việt Nam; đối với người Việt ở nước ngoài còn hộ chiếu, chứng minh thư Việt Nam thì khi về Việt Nam không cần visa, kể cả vợ hoặc chồng, con của người đó cũng không cần visa.
Bộ Ngoại giao còn trực tiếp đến với từng cá nhân, tạo mọi điều kiện để hàn gắn, hòa giải dân tộc. Năm 2013 và 2014, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã liên tục tổ chức đưa nhiều kiều bào về nước, đến với Trường Sa để nhìn thấy những nỗ lực nhà nước Việt Nam đã gìn giữ đất nước như thế nào!
Bằng những việc làm thực tế, Bộ Ngoại giao nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, giúp những người từng đứng ở hai chiến tuyến xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và quan trọng là cùng hướng về đất nước bằng những hành động thiết thực: góp tiền, góp đá xây dựng Trường Sa; đấu tranh với mọi hình thức phản đối Trung Quốc xâm lược khắp các nơi trên thế giới…
Người Việt có mặt ở khắp năm châu. Hòa hợp, đoàn kết sẽ mang lại sức mạnh vô cùng lớn. 30-4 là một khúc khải hoàn vĩ đại của dân tộc, nhưng chiến tranh đã trôi qua lâu rồi. Giờ đây chúng ta cần một khúc khải hoàn mà mọi người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ nơi đâu, cũng đều có thể hát được. Đó chính là hòa bình, độc lập và hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng đất nước. Nếu chúng ta làm được điều này thì vị thế của Việt Nam, những con mắt nhìn vào Việt Nam, sẽ thay đổi.
Phải để thế hệ trẻ hướng về đất nước mà bảo rằng đây là Tổ quốc CHUNG của những người Việt Nam, bất luận ở đâu. Tổ quốc không của riêng ai. Lúc này là lúc phải đoàn kết lại tất cả để cùng nhau hát lên lời ca Vua Hùng dựng nước, chúng ta cùng xây dựng để đất nước phát triển. Lúc này là lúc phải làm, không nói một chiều nữa, phải nghĩ xa hơn, nghĩ tới tương lai dân tộc.
Cải cách hành chính, nhân sự
Điểm nổi bật trong cải cách hành chính năm 2014 mà Bộ Ngoại giao đã thực hiện thành công đó là rút gọn quá trình cấp thị thực trực tuyến. Người nước ngoài có thể thực hiện việc đăng ký và khai tờ khai thị thực trực tuyến tại website http://visa.mofa.gov.vn mà không phải đến cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để lấy tờ khai; chỉ 2 ngày là người dân đã có trong tay bản thị thực. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao hệ thống cung cấp thị thực trực tuyến này và ca ngợi: “Đây là thành tựu vô cùng quan trọng của Việt Nam so với rất nhiều nước khác trên thế giới”.
Đồng thời, trong ba năm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đẩy mạnh trẻ hóa nhân sự và đào tạo nhân sự nòng cốt để thay mới vào hệ thống với mục đích “phải làm được việc” và việc bổ nhiệm Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã chứng minh được điều đó.
NHỮNG YẾU KÉM
Thông tin đối ngoại yếu kém
So với yêu cầu nhiệm vụ, công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa có sự gắn kết nhịp nhàng, chưa huy động tốt các lực lượng, nguồn lực xã hội tham gia thực hiện một cách thường xuyên, hiệu quả. Nhiều ngành chức năng chưa phát huy tính sáng tạo trong việc chuẩn bị nội dung thông tin tuyên truyền đối ngoại.
Xem ra trận chiến trên mặt trận tuyên truyền và thông tin ra bên ngoài quốc gia thì Việt Nam chúng ta dù đã rất cố gắng nhưng vẫn còn khá nhiều bất cập. Cụ thể là vụ giàn khoan Trung Quốc xâm lấn vùng biển nước ta vừa qua, rõ ràng chúng ta đúng đắn và nắm lẽ phải, chính nghĩa… thế mà vẫn đã và đang bị Trung Quốc lật ngược lại hết, bôi nhọ và xuyên tạc ghê gớm trước cộng đồng quốc tế ở rất nhiều quốc gia trên thế giới mà chúng ta chưa có một phương án chiến lược hiệu quả để phản tuyên truyền.
Điều đáng buồn là trên mặt trận này chúng ta có lúc sơ hở, có lúc như bị bỏ ngỏ, bị yếu kém… thì tuyên truyền do Trung Quốc chủ trương hầu như tự do tung hoành, họ chủ động cung cấp thông tin (sai sự thật), hoặc tác động bằng nhiều cách lên các phương tiện tuyên truyền và thông tin hùng mạnh của phương Tây, của các quốc gia khác đưa lên những tin tức, hình ảnh, nhận định không đúng về vụ giàn khoan vừa qua nói riêng cũng như về xã hội Việt Nam hiện nay nói chung.
Trong một bài viết về vấn đề trên đăng ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn của tác giả Nguyễn Vũ đã có một nhận định rất đáng chú ý: “Phải thừa nhận chúng ta đã thua một bước trong cuộc chiến thông tin. Nhưng muộn còn hơn không. Phải bắt tay ngay vào xây dựng một chiến lược cụ thể, trong đó tâm điểm là cung cấp thông tin rộng rãi cho báo chí trong và ngoài nước, kể cả đưa thông tin đúng đắn lên các nguồn phi chính thống như các mạng xã hội”.
Bài báo còn cho biết các đài CNN, BBC ở Úc đều chiếu cảnh công nhân Trung Quốc nằm trên băng ca được đưa từ máy bay xuống… mà không thấy cảnh tàu Trung Quốc hung hãn xịt vòi rồng vào các con tàu nhỏ của mình ngoài biển Việt Nam. Công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin cho quốc tế của ta rất yếu!.
Một nhà ngoại giao đã về hưu người Mỹ kể rằng ông ta đọc một bài viết đăng trên tờ Jakarta Post trong đó một viên chức ngoại giao Trung Quốc ở Indonesia viết bài sai sự thật về Việt Nam. Lời lẽ của bài báo rất nguy hiểm với người thiếu thông tin kiểu như, “khi bạn đang đọc bài này thì làn sóng bạo lực gần đây ở Việt Nam chưa dịu xuống. Hầu như mọi doanh nhân Trung Quốc ở phía Nam Việt Nam đã là nạn nhân bị đánh đập, cướp phá…”
Nhà cựu ngoại giao Mỹ ấy nhận xét: “Trong cuộc chiến tuyên truyền, các phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc hơn hẳn phía Việt Nam. Dù họ có xấu hổ vì chiến thuật của Trung Quốc hay hồ nghi về các đòi hỏi chủ quyền, nhưng họ cũng không để lộ ra bên ngoài. Ngược lại Việt Nam có những sự thật hơn hẳn nhưng khả năng tuyên truyền rất yếu; những phát ngôn luôn phải cân bằng giữa con đường lên án xâm lược nhưng phải duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.
Có thể những nhận xét này chưa tính đến những nỗ lực bên trong. Có thể có những cuộc họp thâu đêm suốt sáng để tìm giải pháp tốt nhất cho bối cảnh nóng bỏng ấy. Nhưng đó là những cảm nhận của người dân trong nước và bạn bè nước ngoài mà giới làm truyền thông nhà nước không thể bỏ qua.
Khi đài CNN phỏng vấn đại sứ Trung Quốc ở Mỹ và ông này đưa ra toàn những thông tin sai sự thật, chúng ta không thể trách cứ CNN vì sao không phản biện, chất vấn lại. Trước hết, phải tự trách mình vì sao không dùng tất cả nguồn lực trong và ngoài nước cho cuộc chiến thông tin này. Nếu chúng ta chủ động đưa hình ảnh công nhân Trung Quốc được chăm sóc như thế nào, nếu các quan chức ngoại giao của chúng ta ở các nước chủ động viết cho báo ở nước sở tại, nói rõ sự thật gì đang diễn ra trên Biển Đông, mặt trận thông tin đã không bỏ trống cho Trung Quốc bóp méo sự thật như hiện nay.
Có lẽ đã đến lúc phải nhìn lại chiến lược truyền thông đối ngoại một cách cặn kẽ hơn. Một thời gian dài những gì mà cơ quan quản lý báo chí thường nhắc nhở các báo là nếu dùng bản đồ Việt Nam nhớ vẽ cho đầy đủ các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này hoàn toàn đúng đắn. Nhưng chỉ dừng ngang đó hoặc bị ám ảnh đến nỗi săm soi các lô gô hình bản đồ nhỏ bằng con tem để coi có chấm chấm các đảo không thì quá hình thức và máy móc.
Trong khi đó đến khi xảy ra chuyện mới thấy mọi người còn đang rất mơ hồ, ngay cả những khái niệm rất sơ đẳng như lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế. Nhiều diễn đàn cho thấy việc sử dụng từ ngữ chính xác, nhất là bằng tiếng Anh để phục vụ cho việc đối ngoại chưa được xem trọng. Các lập luận và hiểu biết về luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền chưa được luyện tập kỹ lưỡng vì có nhiều thời kỳ chúng trở thành đề tài “kính nhi viễn chi”.
Cũng vì thái độ “kính nhi viễn chi” đó mà chúng ta còn thiếu nhiều nghiên cứu sâu hay toàn diện về nhiều đề tài, nhất là trong mối quan hệ mọi mặt với Trung Quốc. Đến khi gặp chuyện mới thấy nếu có thông tin nhanh về mọi chuyện, kể cả tin tức về chuyện những kẻ giả dạng công nhân đập phá doanh nghiệp thì ắt đã sớm có giải pháp hơn so với những gì đã diễn ra.
Trước tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông ngày một căng thẳng, quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước xung quanh như Nhật Bản, Phillipines và Việt Nam ở trong cảnh “kiếm chuẩn bị rút khỏi bao, tên đã lắp vào cung”, thậm chí xuất hiện nguy cơ “cướp cò”. Ngoài ra, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, công tác ngoại giao của Việt Nam dường như chưa tương xứng.
Thời gian qua công tác thông tin đối ngoại với lực lượng chủ chốt là các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng quảng bá hình ảnh Việt Nam và nâng tầm của vị thế của Việt Nam trên trường thế giới, cung cấp thông tin quan trọng cho kiều bào ở nước ngoài và các nước trên thế giới. Nhưng xem ra công tác này còn rất yếu dù đã có nhiều nỗ lực.
Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc được khoác lên mình chiếc áo “yêu nước”, nhưng đã biến màu rất nhanh thành các hoạt động bạo lực phá phách, cướp bóc là một thất bại ngoại giao cho thấy rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam có vấn đề, phản ánh tính không hiệu quả của khuôn mẫu tư duy trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Vì nếu trước đó Việt Nam định ra được chính sách đối ngoại hữu hiệu, thì không những có thể ngăn chặn được hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc, mà trong nước cũng sẽ không xuất hiện các hoạt động biểu tình như nói ở trên. Sự kiện bạo lực vừa qua cho thấy rõ sự thiếu sót từ bộ máy tuyên truyền, vì tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan đã phát tác, ban đầu là những buổi tuần hành hòa bình phản đối Trung Quốc được quốc tế đánh giá rất cao, nhưng sau đó diễn biến thành một trò hề tự người mình hại người mình, không dự báo được kết quả xấu nhất có thể xảy ra. Ví dụ, khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển của ta, cách thức xử lý tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam lại không thống nhất, có nhiều động tác tỏ ra bất lực. Hoặc có thể do sự việc liên quan đến nhiều bộ ngành nên khó phối hợp với nhau, nhưng rất may công chúng lại nhận được ý kiến chỉ đạo uy tín thống nhất mang tính định hướng từ Chính phủ trong thời gian diễn ra các hoạt động biểu tình, từ đó giữ được sự ổn định tình hình.
Thiếu tầm nhìn và kế hoạch dài hạn
Việt Nam có nhiều hạn chế về việc vạch ra một tầm nhìn xa và kế hoạch dài hạn trong hoạt động đối ngoại. Nhiều quan chức và các học giả đều khẳng định rằng Việt Nam không đưa ra được các văn kiện trong nước hay sách trắng về chiến lược ngoại giao có tầm nhìn xa và dài hạn mà chỉ có ngắn hạn. Hơn nữa, các đại sứ mới được bổ nhiệm được nhận những đường lối chỉ đạo chung chung và ít thông tin cơ bản về các khu vực mà họ chịu trách nhiệm.
Các nhân tố nữa góp phần gây ra tình trạng yếu kém trong việc vạch kế hoạch dài hạn đó là trong bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam, các viên chức ngoại giao có ít thời gian tư duy chiến lược dài hạn vì họ đã quen giải quyết theo lối tư duy hàng ngày.
Việc thiếu khả năng phát triển những chiến lược dài hạn khiến cho Việt Nam khó đóng vai trò lớn trong các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Về tầm nhìn quốc tế hóa: Có thể nói những trải nghiệm trong quá trình học tập sinh sống ở nước ngoài đóng vai trò tích cực hình thành tầm nhìn quốc tế hóa cho cán bộ ngoại giao. Làm thế nào để bồi dưỡng giúp quan chức ngoại giao Việt Nam có tầm nhìn quốc tế hóa thực sự là thách thức lớn. Quan chức Việt Nam đã tới rất nhiều nước như Nga, Mỹ và Pháp… để học tập kinh nghiệm. Nhưng đáng tiếc là sau khi trở về nước, các quan chức này lại rất nhanh bị “tan chảy” bởi thể chế lạc hậu ở trong nước, cuối cùng không thể giúp Việt Nam nâng cao trình độ quốc tế hóa.
Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nội chính và ngoại giao của bất kỳ nước nào cũng gắn chặt với nhau. Nhưng ai cũng biết, muốn phát triển trở thành một nước mạnh thì thực sự phải coi trọng công tác ngoại giao. Những người nắm quyết sách tối cao của một quốc gia nên thu nạp nhân tài ngoại giao có tầm nhìn quốc tế, ứng xử tinh tế, linh hoạt và mềm dẻo nhưng kiên định theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tất cả vì lợi ích của dân tộc./.
Mời quý độc giả đón đọc bài viết tiếp theo về Bộ Công an
Hải Dương
Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:
Thích và chia sẻ bài này trên:
Những yếu kém và thành tựu của ngành Ngoại giao trong 3 năm qua
Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY
|
Tải clip phim ảnh video bài: Những yếu kém và thành tựu của ngành Ngoại giao trong 3 năm qua
Link download movie cine hd: Những yếu kém và thành tựu của ngành Ngoại giao trong 3 năm qua