Nhật sẽ ‘xoay trục’ quốc phòng thế nào trong khu vực?
(Quốc tế) - Đối với ASEAN, khả năng liên minh cao nhất là giữa Nhật và Philippines, do ngoài việc có cùng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, hai nước đều là đồng minh của Mỹ. Với việc giải thích lại điều 9 Hiến pháp, Nhật đang “xoay trục” chính sách an ninh – quốc phòng. Đặc biệt, những động thái hợp tác gần đây với các đồng minh trong khối liên minh của Mỹ tại Thái Bình Dương như Úc, Ấn đã gợi lại ý tưởng xây dựng vòng cung tứ cường bao vây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của Nhật, cụ thể hơn là của chính phủ Abe, một liên minh như vậy có thể không còn là ưu tiên quan trọng nhất. Những đồng minh song phương sẽ đóng vai trò tiên quyết hơn, từ đó gợi mở ra chính sách của Nhật với khối ASEAN.
Ngược dòng lịch sử
Ý tưởng về liên minh giữa tứ cường Nhật – Ấn – Úc – Mỹ không phải mới hình thành gần đây, mà hình thành từ giữa thập niên 2000. Ý tưởng xây dựng một vòng cung từ Ấn Độ ngang Nhật Bản, kéo dài xuống tận Nam Thái Bình Dương với Úc từng được ba thủ tướng khi ấy của Nhật, Úc, và Ấn Độ phác họa và được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush ủng hộ.
Bản thân Thủ tướng Abe trong nhiệm kỳ đầu của mình năm 2006 – 2007 đã khởi xướng Đối thoại an ninh 4 bên (QSD) giữa 4 nước: Nhật, Mỹ, Ấn, Úc. Tuy nhiên, mô hình đối thoại này đã không trở thành hiện thực, do quyết định không tham gia của Úc và những thay đổi trong bộ máy chính quyền ở 3 nước còn lại.
Sau 10 năm, cơ chế “Đối thoại an ninh 4 bên” và ý tưởng “Vòng cung tự do và thịnh vượng” có khả năng hồi sinh trong bối cảnh những thay đổi về chính quyền tại Nhật Bản, Ấn Độ, Úc thời gian gần đây đã đều đưa các đảng lãnh đạo cánh hữu lên cầm quyền. Chính sự giống nhau trong tính chất của thể chế lãnh đạo đã đưa quan điểm các nước lại gần nhau.
Cùng với việc khẳng định quyết tâm đối với chính sách Tái cân bằng của Mỹ, Nhật – Ấn – Úc – Mỹ có thể hình thành mạng liên kết “Kim cương dân chủ” như ý tưởng của Abe nhằm đảm bảo an ninh tuyến đường biển từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương sang Đại Tây Dương. Những mục tiêu ban đầu của QSD về việc cân bằng với Trung Quốc không hề bị mất giá trị, mà còn được cố kết thêm trước lối hành xử của Trung Quốc trên thực địa.
Kinh tế + quốc phòng: Từ Canberra đến New Delhi
Trong khi hình bóng của một cơ chế hợp tác 4 bên vẫn chưa rõ ràng, Nhật Bản với vai trò tích cực đã chủ động tăng cường quan hệ song phương với các đối tác. Chẳng hạn, điều này thể hiện trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Nhật Bản vào tháng 4/2014 và hội nghị “2+2″ giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật – Úc diễn ra vào tháng 6, bên cạnh các vấn đề thúc đẩy hợp tác song phương. Tại các sự kiện trên, điểm chung trong quan điểm các nước về những động thái của Trung Quốc gây căng thẳng trên biển Đông và Hoa Đông là phản đối và quan ngại những động thái này có thể thay đổi hiện trạng và phá vỡ những quy định của luật pháp quốc tế.
Mục tiêu củng cố quan hệ liên minh Nhật – Mỹ của Thủ tướng Abe đã được cụ thể hóa thông qua tuyên bố của Tổng thống Obama rằng: “Chính sách của Mỹ rất rõ ràng – quần đảo Senkaku thuộc quyền kiểm soát của Nhật và nằm trong phạm vi điều 5 của Hiệp ước Hợp tác An ninh Mỹ – Nhật. Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm làm suy yếu quyền kiểm soát của Nhật đối với những hòn đảo này”.
Ngày 12/6, tại hội nghị “2+2″ giữa Nhật và Úc, hai bên đã đạt được đồng thuận về các vấn đề quân sự như: (i) tiến hành các cuộc đàm phán về hợp tác trên lĩnh vực thiết bị và kỹ thuật quân sự; (ii) phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng tại biển Đông và biển Hoa Đông; (iii) tăng cường tập trận chung giữa quân đội 2 nước và (iv) ủng hộ Nhật Bản tiến hành sửa đổi Hiến pháp để có thể tiến hành quyền phòng vệ tập thể và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài. Nhật Bản và Úc còn hướng tới nâng cấp quan hệ từ “Đối tác chiến lược” thành “Quan hệ đặc biệt” trong thời gian tới.
Trong tuần qua, thủ tướng Abe thăm Canberra, nơi hai nước đã ký hiệp ước hợp tác kinh tế cũng như một thỏa thuận về thiết bị quân sự và chuyển giao công nghệ. Hai bên đang tiến hành những bước cuối cùng để củng cố việc trở thành đối tác an ninh chiến lược.
Đối với Ấn Độ, Nhật và quốc gia Nam Á này đều có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Những tín hiệu về một sự cải thiện đáng kể trong quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 đã xuất hiện. Trong cuộc hội thảo “Nhật Bản – thời điểm của Ấn Độ” tổ chức tại New Delhi, ông Tomohiko Taniguchi, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật, cho biết “mối quan hệ New Delhi – Tokyo sẽ được nâng cấp lên thành mối quan hệ đối tác đặc biệt, không chỉ về kinh tế, đầu tư mà còn về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại”.
Bản thân ông Abe trong lời chúc mừng ông Nerenda Modi thắng cử thủ tướng Ấn Độ đã viết: “Tôi chắc rằng cả 2 chúng ta sẽ đưa quan hệ Ấn Độ – Nhật Bản lên một tầm cao mới”. Điều này cho thấy quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo này sẽ tạo ra những thay đổi chiến lược tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bước ngoặt của chính sách liên minh
Dựa vào những phân tích trên có thể thấy, trở lại chính trường chưa đầy 2 năm nhưng Thủ tướng Abe đã tiến hành những cải cách mang tính bước ngoặt đối với chính sách an ninh trong nước, tạo ra những tác động lớn đối với môi trường an ninh khu vực.
Nếu như năm 2007, ông Abe đưa ra sáng kiến về QSD nhằm giải quyết các mối lo ngại đối với Trung Quốc từ trong nước, thì năm 2014, những thay đổi về chính sách an ninh – quốc phòng, đặc biệt những sửa đổi về quyền phòng vệ tập thể giành được sự quan tâm hàng đầu. QSD hay một liên minh 4 bên vẫn là một trong những biện pháp nhằm duy trì nguyên trạng tại biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Viện nghiên cứu Lexington tại Mỹ, Daniel Goure, một liên minh hình thành vào thời điểm này sẽ khiến tình hình châu Á giống như tại châu Âu vào những năm 1930. Còn James Brown, chuyên gia quân sự tại Viện Chính sách quốc tế Sydney cho rằng, trong bối cảnh thiếu vắng những thỏa thuận về ngăn ngừa xung đột, một liên minh hình thành sẽ thúc đẩy chạy đua vũ trang, tạo thêm các yếu tố gây bất ổn về an ninh.
Vì vậy, khôi phục lại mô hình QSD giữa Nhật – Ấn – Úc – Mỹ sẽ không phải quan tâm hàng đầu của ông Abe vào thời điểm này. Mà thay vào đó là xây dựng một hệ thống các quan hệ song phương linh hoạt và ổn định, sẵn sàng phản ứng lại được những thách thức quốc tế tương tự như cơ chế QSD. Với định hướng này, chính quyền Abe ngoài tránh được chỉ trích và phản ứng từ Bắc Kinh, còn tranh thủ được lợi ích thương mại, đầu tư với các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đối với ASEAN, khả năng liên minh cao nhất là giữa Nhật và Philippines, do ngoài việc có cùng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, hai nước đều là đồng minh của Mỹ. Trên thực tế, quan hệ hai nước được tăng cường đáng kể qua chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Manila tháng 7/2013 và của Tổng thống Aquino tới Tokyo tháng 6/2014.
Đáp lại kế hoạch của Tokyo hỗ trợ Manila 10 tàu tuần tra trên biển, Philippines là nước ủng hộ Nhật Bản mạnh mẽ nhất với những thay đổi trong chính sách an ninh – quốc phòng. Và mới đây, Tổng thống Aquino tuyên bố rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ được quyền truy cập căn cứ hải quân Subic, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ đối diện với biển Đông.
Trong khoảng thời gian sắp tới, chính sách của Nhật Bản có thể là tiếp tục củng cố mạng lưới các nước ở khu vực nhằm cân bằng với Trung Quốc, trong khi các nước ASEAN tranh thủ lợi ích kinh tế và sự hỗ trợ của Tokyo về năng lực quốc phòng thông qua hợp tác song phương.
(Theo Vietnamnet)
Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:
Thích và chia sẻ bài này trên:
Nhật sẽ ‘xoay trục’ quốc phòng thế nào trong khu vực?
Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY
|
Tải clip phim ảnh video bài: Nhật sẽ ‘xoay trục’ quốc phòng thế nào trong khu vực?
Link download movie cine hd: Nhật sẽ ‘xoay trục’ quốc phòng thế nào trong khu vực?