Hải quân Việt Nam: dám đánh, quyết đánh và đánh thắng
(An Ninh Quốc Phòng) - Theo tính toán của các nhà quân sự, phải có 12 tàu phóng lôi mới đánh được một tàu khu trục, nhưng chúng ta chỉ có 3 tàu chưa thật hiện đại, nhưng đã chủ động, sáng tạo, dám đánh đuổi tàu địch…
Ngày 30-7, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân (QCHQ), Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ và chiến công đánh thắng trận đầu-50 năm nhìn lại”. Đây là hoạt động trọng tâm, ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 50 năm đánh thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc (ngày 2 và 5-8-1964 / ngày 2 và 5-8-2014).
Sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng ta
Dự hội thảo có các đồng chí: Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh QCHQ; Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các đồng chí tướng lĩnh, nhà khoa học và các nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp tham gia đánh thắng trận đầu. Các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng PK-KQ; Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy QCHQ và Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam điều hành hội thảo.
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, sau khi nêu bật mục đích, ý nghĩa thiết thực của cuộc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc, mà nòng cốt là lực lượng phòng không của Quân chủng PK-KQ và QCHQ đã chủ động, sáng tạo, đánh trả kiên cường, bắn rơi, bắn bị thương nhiều máy bay hiện đại của Mỹ, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong cuộc đọ sức với lực lượng không quân, hải quân Mỹ”…
Phát biểu đề dẫn của Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật cũng nhấn mạnh: “Với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan chính trị sắc bén của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất, âm mưu, hành động xâm lược của đế quốc Mỹ với cách mạng Việt Nam, từ đó dự báo sớm các tình huống chiến tranh để có thể chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt”…
Các tham luận của PGS, TS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) và Đại tá Đỗ Minh Thái, Phó tham mưu trưởng QCHQ đã hệ thống các chủ trương chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự chuẩn bị chu đáo để đưa miền Bắc vào thời chiến, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Chính ủy Quân chủng PK-KQ xúc động kể về sự quan tâm của Bác Hồ với sự trưởng thành lớn mạnh của Bộ đội PK-KQ khi tham gia đánh trận đầu.
Nhiều tham luận tại hội thảo đã phân tích làm rõ sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu và của các đơn vị trong công tác chuẩn bị chu đáo mọi mặt đảm bảo chiến đấu trận đầu. Đại tá Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tổng kết lịch sử Bộ Tổng tham mưu đã dẫn chứng về công tác chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu trong “đánh thắng trận đầu” qua các chỉ thị, kế hoạch, mệnh lệnh, kiểm tra cụ thể công tác SSCĐ đối với các lực lượng vũ trang trên toàn miền Bắc trước khi bước vào chiến đấu…
Ý chí dám đánh, quyết đánh và đánh thắng
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ chỉ là cái cớ để đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh đánh phá ra miền Bắc. Việc theo đuổi chính sách leo thang chiến tranh của Mỹ, thì cho dù “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” chưa xảy ra vào tháng 8-1964, thì rồi sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Đó là những luận điểm được Đại tá Trần Ngọc Long, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đưa ra trên cơ sở nghiên cứu, dẫn chứng từ nhiều tư liệu, tài liệu quan trọng. Đồng chí nhấn mạnh: “Trước âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, chúng ta đã chủ động, cảnh giác, SSCĐ cao, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chiến đấu để giành thắng lợi trận đầu”.
Các đại biểu đã rất xúc động, khâm phục ý chí dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của bộ đội ta, khi nghe các nhân chứng lịch sử kể về trận chiến đấu 50 năm trước. Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên Thuyền trưởng tàu 333, kiêm Phân đội trưởng Phân đội 3 trực tiếp chỉ huy đánh tàu khu trục Ma-đốc, cho biết: Theo tính toán của các nhà quân sự, phải có 12 tàu phóng lôi mới đánh được một tàu khu trục, nhưng chúng ta chỉ có 3 tàu chưa thật hiện đại, nhưng đã chủ động, sáng tạo, dám đánh đuổi tàu địch. Có lệnh là lên đường, đối mặt với quân thù, kể cả khi bị không quân của địch đánh phá ác liệt, nhiều đồng chí bị thương và hy sinh, song cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn vững vàng quyết tâm, không hề nao núng, đánh đuổi tàu địch và tiếp tục tham gia bắn máy bay địch.
Nhớ lại trận đánh máy bay địch ngày 5-8-1964 tại Hòn Gai (Quảng Ninh), CCB Ngô Văn Nuôi, nguyên chiến sĩ pháo thủ số 5, Đại đội 143 (Tiểu đoàn Phòng không 217) cho biết: Khi ấy tôi vừa đi phép lên đến đơn vị, vài tiếng sau thì máy bay địch tới công kích.
Chúng tôi đã tiêu diệt được máy bay địch ngay khi tốp thứ hai bay vào đánh phá. Chiến thắng đó là hệ quả của tinh thần SSCĐ, huấn luyện, sử dụng thành thạo vũ khí trang bị cả ban ngày, ban đêm và hiệp đồng trong khẩu đội, giữa các khẩu đội, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc.
Từ Thanh Hóa ra dự hội thảo, Đại tá Phạm Xuân Luân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa dẫn chứng: Lúc 14 giờ 15 phút ngày 5-8-1964, nhiều tốp máy bay địch lao vào bắn phá từ đảo Hòn Nẹ đến cửa Lạch Trường, các đơn vị hải quân, không quân, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ đã nhanh chóng, kịp thời, hiệp đồng chặt chẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, lưới lửa phòng không chiến đấu. Trong ngày đã bắn rơi hai máy bay và bắn bị thương hai chiếc khác. Chiến công này là bài học để quân và dân tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng các lực lượng lập nên một kỳ tích trong chiến đấu tại Hàm Rồng-Nam Ngạn ngày 3 và 4-4-1965 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ…
Phát huy truyền thống bảo vệ vùng biển, vùng trời
Cùng với khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi đánh thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc, tham luận tại hội thảo đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo chiến lược, các phương thức, biện pháp để tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi phân tích, nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm đánh thắng trận đầu, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến đã chỉ ra 6 bài học để tiếp tục phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, bảo đảm cho Bộ đội Hải quân luôn chủ động, SSCĐ và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng PK-KQ khẳng định, yếu tố quan trọng nhất để làm nên chiến thắng là con người. Do đó, các đơn vị phải giáo dục xây dựng cho bộ đội ý chí dám đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù; xây dựng niềm tin vào vũ khí trang bị; nghiên cứu nắm chắc đối tượng tác chiến để có cách đánh phù hợp; tăng cường phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng. Phó đô đốc Đỗ Xuân Công, nguyên Tư lệnh QCHQ nhấn mạnh: Ngày trước chúng ta đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo ra ý chí chiến đấu sục sôi trong từng đơn vị, từng chiến sĩ, làm nên chiến thắng. “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, trong điều kiện mới, để chiến đấu thắng lợi, chúng ta phải xác định rõ đối tượng tác chiến, có cách đánh phù hợp, tổ chức huấn luyện chu đáo…
Tổng thuật hội thảo, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo đã khái quát: Gần 30 tham luận được nghiên cứu công phu, đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu phát biểu và gửi về Ban tổ chức hội thảo. Các tham luận hội thảo đã đề cập nhiều mảng nội dung khác nhau, nhưng tựu trung nội dung cốt lõi đã minh chứng và khẳng định rõ những luận điểm khoa học được đặt ra và giải quyết trong hội thảo. Qua hội thảo này chúng ta có điều kiện trao đổi, làm sâu sắc hơn những kết quả nghiên cứu về sự kiện Vịnh Bắc Bộ và chiến công đánh thắng trận đầu, một vấn đề còn nguyên tính thời sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
(Theo Quân Đội Nhân Dân)
Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:
Thích và chia sẻ bài này trên:
Hải quân Việt Nam: dám đánh, quyết đánh và đánh thắng
Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY
|
Tải clip phim ảnh video bài: Hải quân Việt Nam: dám đánh, quyết đánh và đánh thắng
Link download movie cine hd: Hải quân Việt Nam: dám đánh, quyết đánh và đánh thắng