Thư gửi con yêu, từ Hoàng Sa



(Phản đối Trung Quốc xâm lược) - Ba viết cho con, từ trên tàu KN-767 cùng các chú kiểm ngư, trong đêm trăng Hoàng Sa lung linh – huyền ảo. Bên cạnh ba, các đồng đội tràn ra ngoài boong tàu ngắm trăng 16 tròn viên mãn, và cùng hòa lời hát Gửi em ở cuối sông Hồng, trong phút hiếm hoi không bị đâm va – xịt nước vòi rồng. Lời hát ấy, không chỉ gửi về nơi neo đậu bến bờ, mà với ba còn là tâm tình gửi đến con yêu, đang lụi hụi chăm em giúp mẹ, khi ba công tác đảo xa.


Gửi con yêu, từ Hoàng Sa

Giữ cờ Tổ quốc trên biển Hoàng Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải



Chỉ khi con tàu rời cảng Đà Nẵng, nén lại cái âm lượng đanh giòn ra biển thường lệ, bằng nghẹn ngào – khắc khoải chào bờ với lời tạm biệt xa xôi, ba mới giật mình, nức nở cho mẹ, cho con. Không dám nói, giống như bao chú bác trên tàu cũng không dám nói, một từ rất đơn giản: Ra giữ Hoàng Sa…


Những chuyến biển Trường Sa, cả con và mẹ đã quen từng hải trình sóng gió, nên sự nén dồn thương nhớ, cũng chỉ bập bõm qua sóng điện thoại với câu kết cuộc gọi, thương đến nao lòng: “Ba khỏe và về nhà mình, ba nhé!”.


Nhưng ra giữ biển Hoàng Sa?…


Cả đất nước mình, dân tộc mình có hiền lành, nhẫn nhịn và đau đáu sự yên lành đến đâu, cũng tức ngực – không thể chịu nổi những cú đâm va, cản phá và bắn nước từ vòi rồng, muốn giết người như thế…


Và ba, cũng nhận lệnh ra Hoàng Sa, đúng giờ mẹ đưa con đến trường, giữa ngàn ngạt gió sớm, cùng lời dặn nhớ thương của con khi nghe ba bập bõm thông báo, lúc nào ba cũng nhớ: “Ba và các chú, phải về bờ. Ba nhé!”…


Sống ở Hoàng Sa!…


Con lần đầu tiên nghe câu này, qua lời ba kể và những câu chữ ba viết trên báo. Con hỏi: “Hoàng Sa đẹp lắm phải không ba?”, khiến cả ba mẹ đều nghèn nghẹn gật đầu: “Đẹp lắm! Đất nước mình, ở đâu chẳng đẹp?”. Thế nhưng, có những sự đẹp, để giữ gìn phải trả bằng mồ hôi và máu con à!


Ở Hoàng Sa, mỗi sớm mai thức dậy ngắm bình minh. Mặt trời lướt thướt ướt, rũ nước ngoi lên khỏi mặt biển mỉm cười ngậm sóng, chiếu những tia sáng tinh khôi lên mạn tàu kiểm ngư sơn màu cam của ba, đẩy đầu sóng tinh nghịch những đốm sáng rực rỡ, nhảy múa như con chân sáo tới trường.


Buổi sáng trong trẻo, tàu nhỏ lăng hết sóng, vứt bỏ bao nhỏ nhen tính toán dưới đuôi tàu, lao vào cái thứ ngất nghểu xám xịt phía xa xa, để khẳng định điều to lớn thôi nhưng đơn giản: “Nhà của tôi, anh đừng ngả tự tiện ghé lưng ịch nằm!”. Những lúc ấy, cái sự âu lo sống – chết giữa buổi sáng mướt mát tinh khôi, trở thành bình thường, khi nhớ đến con đang tròn môi, nheo kính nhìn lên bảng, đọc từng câu văn của chủ đề Tổ quốc.


Buổi chiều yên ả, những con tàu màu cam lại dung dẻ như con trong giờ sinh hoạt ngoài sân, hướng mũi tiến vào, để giữ từng mét biển yêu thương. Và lại. Lại những con tàu sơn màu trắng hòa bình, những gạch ngang dọc màu đỏ hải cảnh, màu xanh hải giám, lạnh lùng lao ra, đâm ngang – cản mũi, ngông cuồng bắn nước biển mặn chát tanh nồng, vào tàu màu cam bé nhỏ của ba.


Sự hy sinh, không đơn thuần là bom rơi – súng nổ, mà còn hiện diện rành mạch, từ những cú đâm húc – cản phá và ập cả biển nước, vào tàu cam con à!


Tích tắc để sống, biết mình sống để về, không phải tiếng ùng oàng nổ phá, mà là ầm ập trắng xóa dội xuống đầu, ngã gục xuống sàn tàu, cùng tiếng còi hú đe dọa, xủng xẻng tiếng loa phóng thanh dằn mặt, ngay kề bên. Những lúc ấy, ba lại càng nhớ đến con: Môi hiền đỏ chót mấp máy gọi ba khi vừa chào đời; gợi hình con mềm tay trong ngực ba giữa đêm đông cạn sữa mẹ; khắc bóng con bi bô ôm vành mũ cứng mỗi chuyến ba đi biển và dòng chữ của con trên áo, dặn: “Ba sẽ lại về với bờ mình, phải không ba?”…


Và càng gian lao vậy, ba và các chú càng phải sống, thẳng lưng mà sống, cho dần quen, bởi có thế, mới giữ được cho chính mình, hình hài Tổ quốc.


Con thông minh và nhanh nhẹn, sẽ hỏi: Tổ quốc ở Hoàng Sa là gì?…


Giản đơn lắm:


Tổ quốc ở Hoàng Sa là sâu thẳm biển xanh, trong trẻo như vắt từng gợn sóng, nâng niu đưa lên boong tàu vốc cát trắng nhưng nhức, mềm lọt cả bàn tay. Mỗi sáng chiều ba soi xuống, đều thấy con đeo kính cận, gọi: “Ba à!”…


Tổ quốc phía Hoàng Sa là những buổi chiều, cả biên đội tàu lúp xúp kéo nhau về chỗ ngủ, ba lẳng lặng ra mạn tàu, tự hỏi: “Con đã cút kít đạp xe về, lách qua dòng người ơ hờ vô cảm, để về nhà mình quấn quýt chưa con?”.


Tổ quốc nơi Hoàng Sa là những đêm trực canh đau đáu, chấp chới đèn hành trình


trên biển. Sóng khe khẽ ru lời thương nhớ, vẫn chập chờn nhìn về phía tây xa hút, tự hỏi mình: “Con, em và mẹ đã ngủ trọn giấc hay chưa?”.


Tổ quốc cùng Hoàng Sa là ba và các chú các bác, chia nhau từng ca nước ngọt, 5 ngày mới được tắm 1 lần, để thấm thía khi vục đầu vào xô nước ngọt, nước mắt cũng ứa cùng, môi mấp máy gọi về phía xa thẳm: “Bờ ơi!”…


Tổ quốc quấn quýt Hoàng Sa, là màu cờ Tổ quốc đỏ như môi con, là biển xanh mắt của con và óng ánh nắng vàng tinh nghịch, như mỗi chiều ở bờ, ba qua trường đón, con líu lo sau tai những chuyện ngoài trường – trong lớp.


Và con gái yêu à! Tổ quốc ngoài Hoàng Sa là thân thuộc nhất, trong đêm trăng này, khi tất cả đồng đội ùa ra mạn tàu, lạch cạch gõ ống lan can cùng hát bài Gửi em ở cuối sông Hồng của bác Thuận Yến. Kệ máy bay trinh sát đối phương nhấp nháy đỏ xanh trên đầu, lời ca cứ ùa ra biển làm mềm cả sóng trắng trăng vàng, theo lời hát: Anh ở biên cương. Nơi con sông Hồng chảy về với biển. Tự dưng, ba lại nhớ đến lời thơ của bác Dương Soái, mấy chục năm về trước, nhớ và yêu đến quặn lòng: Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình. Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc. Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt. Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông!…


Có những người giữ biển ở cùng ba rồi. Con, em và mẹ đừng lo nhé! Ba và các chú bác sẽ trở về, từ địa đầu Tổ quốc mình, yêu dấu: Hoàng Sa.


(Vùng biển Tri Tôn, Hoàng Sa 5.2014)


Tùy bút của Mai Thanh Hải (Tặng Mai Trần Tường Linh)


(Theo Thanh Niên)




Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:




Thích và chia sẻ bài này trên:






Thư gửi con yêu, từ Hoàng Sa

Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY




Tải clip phim ảnh video bài: Thư gửi con yêu, từ Hoàng Sa
Link download movie cine hd: Thư gửi con yêu, từ Hoàng Sa


Việt 247 mới nhất

 

© 2010 Việt 247 All Rights Reserved Thesis WordPress Theme Converted into Blogger Template by Hack Tutors.info