Kỳ vọng đột phá từ sửa đổi Luật Doanh nghiệp



(Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII) - “Tất cả các ý kiến đều rất hay, sâu sắc… các đại biểu cho rằng nội dung dự thảo luật lần này có rất nhiều đổi mới và có sự đột phá, cải cách rất mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và cụ thể hóa thực thi Hiến pháp”. Đó là ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá về phiên họp Quốc hội sáng 17-6 thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).


Cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp


Trong số 26 đại biểu Quốc hội phát biểu góp ý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng qua có nhiều đại biểu là doanh nhân và chuyên gia kinh tế, tất cả đều khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Các đại biểu cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2005 dù được coi là bước tiến dài, giúp tăng sự bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp cũng như thu hẹp khoảng cách giữa quy định pháp lý của Việt Nam với quốc tế. Tuy nhiên, thực tế gần 10 năm thực hiện đã có nhiều nội dung lạc hậu, một số quy định cần phải sửa đổi để bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp cũng như sự chặt chẽ, phù hợp về kinh tế cho các giao dịch phát sinh của doanh nghiệp. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm thực thi các quy định của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tạo điều kiện và động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.


 Máy bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Bộ Quốc phòng) phục vụ hoạt động khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Máy bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Bộ Quốc phòng) phục vụ hoạt động khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.



Một trong những thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội hoan nghênh là đổi mới phương thức quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp trên nguyên tắc doanh nghiệp được quyền chủ động kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.


Các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu là doanh nhân hy vọng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này sẽ tạo ra cú hích cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.


Nên quy định rõ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện


Một trong những nội dung của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận là ngành, nghề và điều kiện kinh doanh.


Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn), ngành, nghề và điều kiện kinh doanh là một điều quan trọng vì liên quan đến nguyên tắc “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm” được quy định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít rào cản, vướng mắc hay vùng cấm, đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần làm rõ sự thống nhất về thẩm quyền Chính phủ đối với việc ban hành danh mục ngành, nghề và điều kiện kinh doanh cũng như việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung hằng năm nhằm tháo gỡ những bất cập hiện nay. Đại biểu đề nghị chỉ nên quy định “Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm” là đầy đủ.


“Mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật Doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”.

Trích Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)



Tuy nhiên, cũng có đại biểu không đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Lâm Thành. Đại biểu Nguyễn Công Bình (đoàn Yên Bái) nêu ý kiến cần cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ngay trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) phân tích những bất cập trong thực hiện Luật Doanh nghiệp hiện nay và kiến nghị dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần quy định cụ thể danh mục, nguyên tắc, thủ tục thực hiện cũng như lộ trình, thời gian cụ thể ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh; đồng thời cần phải được thể chế hóa trong một văn bản do Chính phủ ban hành để thuận lợi cho nhà đầu tư tham chiếu.


Tránh việc “núp bóng” doanh nghiệp xã hội


“Doanh nghiệp xã hội” là một thiết chế mới được đưa vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo Tờ trình của Chính phủ, “doanh nghiệp xã hội” có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần cùng nhà nước giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra một cách có hiệu quả hơn. Mô hình này đã được triển khai có hiệu quả ở nhiều quốc gia, nên cần được thể chế hóa trong điều kiện ở nước ta.


Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) và nhiều đại biểu khác nhất trí với việc quy định về doanh nghiệp xã hội như trong dự thảo Luật. Các đại biểu cho rằng, đây là thừa nhận sự tồn tại thực tế của doanh nghiệp xã hội ở nước ta hiện nay. Quy định này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận đầu tư vào các lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần cùng các nguồn lực của Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề xã hội và môi trường. Tuy nhiên, cách quy định như dự án Luật có thể gây hiểu nhầm đây là một loại hình doanh nghiệp mới ngoài các loại hình hiện nay là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, đề nghị quy định phù hợp, bảo đảm bao quát hết các hoạt động của doanh nghiệp xã hội, phân biệt rõ doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp công ích, đồng thời, ngăn ngừa xu hướng các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động dưới danh nghĩa doanh nghiệp xã hội để hưởng các ưu đãi.


Thế nhưng, đại biểu Nguyễn Anh Dũng (Bắc Giang) và một số đại biểu Quốc hội lại không tán thành việc quy định “doanh nghiệp xã hội” trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Các đại biểu lý giải: Doanh nghiệp xã hội không phải là một loại hình doanh nghiệp mới mà vẫn là doanh nghiệp thuộc một trong các loại hình hiện nay, chỉ khác ở mục đích phân phối và sử dụng lợi nhuận. Do đó, không nên đưa nội dung này vào dự thảo Luật.


Cần có quy định riêng về doanh nghiệp phục vụ quốc phòng, an ninh


Khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải có quy định riêng về loại hình đặc thù này trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).


Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang) cho biết: Để bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quốc phòng-an ninh, kết hợp với kinh tế, làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, hiện nay Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang tổ chức quản lý một số doanh nghiệp, đó là các xí nghiệp quốc phòng-an ninh, các doanh nghiệp quốc phòng-an ninh kết hợp với kinh tế. Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng đã quy định doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế được tổ chức và quản lý hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định riêng của Chính phủ theo Điều 167.


Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đã tiếp tục quy định như vậy tại Khoản 4, Điều 219. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần phải có một số quy định cụ thể hơn.


Hiện tại Luật Quốc phòng, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng đã quy định cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là những cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật được nhà nước đầu tư phục vụ cho quốc phòng-an ninh, làm nòng cốt để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp quản lý. Các doanh nghiệp được công nhận là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng và an ninh. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan lập danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó Pháp lệnh cũng đã quy định một số chính sách của nhà nước đối với các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. Ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn lực, ngành nghề mũi nhọn và công nghệ quốc phòng, công nghệ ứng dụng vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ kinh tế. Một số chính sách ưu đãi về hỗ trợ đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất vật liệu mới, sản xuất công nghệ cao, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng của dự án quan trọng trên các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn…


Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng đề nghị trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần phải quy định rõ thẩm quyền thành lập mới doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng-an ninh, thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà nước đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng-an ninh. Như vậy mới có căn cứ để làm cơ sở cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp này. Đồng thời, cũng bảo đảm Chính phủ quy định không trái với các nguyên tắc chung của Luật.


Chiều 17-6, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã thông báo với lãnh đạo một số doanh nghiệp quân đội về ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Hùng; đại diện các doanh nghiệp này đều nhất trí với quan điểm của đại biểu Quốc hội và đề nghị nên có những quy định riêng về doanh nghiệp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).



Sáng 17-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Chiều 17-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và thảo luận về việc gia nhập Công ước và nghị định thư Cape Town. Ngày 18-6, Quốc hội làm việc tại Hội trường.



(Theo Quân Đội Nhân Dân)




Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:




Thích và chia sẻ bài này trên:






Kỳ vọng đột phá từ sửa đổi Luật Doanh nghiệp

Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY




Tải clip phim ảnh video bài: Kỳ vọng đột phá từ sửa đổi Luật Doanh nghiệp
Link download movie cine hd: Kỳ vọng đột phá từ sửa đổi Luật Doanh nghiệp


Việt 247 mới nhất

 

© 2010 Việt 247 All Rights Reserved Thesis WordPress Theme Converted into Blogger Template by Hack Tutors.info