Người Việt ở nước ngoài có thể được sở hữu nhà ở tại VN
(Kinh tế) - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành chủ trương mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở.
Sáng nay (24-5), Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật nhà ở (sửa đổi).
Sau phần báo cáo của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật nhà ở (sửa đổi).
Về nội dung quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, ông Phan Trung Lý cho biết theo quy định của điều 155 và điều 157 của dự thảo luật này thì người Việt Nam định cư nước ngoài, nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam, về cơ bản có các quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước. Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở tại các dự án không hạn chế về số lượng.
“Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành chủ trương mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật đề nghị cần làm rõ việc mở rộng các đối tượng sở hữu nhà ở, nhất là người nước ngoài như trong dự thảo luật sẽ có tác động như thế nào đối với quyền có nhà ở của người dân, đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”, ông Lý nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, sau gần 8 năm thực hiện, Luật Nhà ở đã bộc lộ một số bất cập cần hoàn thiện.
Qua rà soát, luật hiện hành còn nhiều hạn chế về quy định về việc mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, đặc biệt là quy định về đối tượng, điều kiện được sở hữu và các quyền của chủ sở hữu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài nên chưa khuyến khích được bà con kiều bào cũng như tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, từ đó hạn chế việc thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Dũng cũng trình bày quan điểm xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi là phải thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực phát triển nhà ở. Đó là một mặt tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân có thu nhập và có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường; đồng thời quan tâm phát triển nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước để phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường, trên nguyên tắc việc phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước của xã hội và của người dân.
Đồng thời, dự luật cũng mở rộng đối tượng và điều kiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để huy động các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm… phục vụ phát triển đất nước; đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường xây dựng trong nước phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế trên nguyên tắc bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, một số nội dung cơ bản quan trọng được nêu trong Luật Nhà ở sửa đổi như: quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư căn cứ vào cấp công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi trong việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ khi bị xuống cấp, hư hỏng; đồng thời, bổ sung quy định cho phép các bên tham gia giao dịch mua bán nhà ở có thể thỏa thuận để bên mua được sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định nhằm góp phần giảm giá bán nhà ở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân có thể lựa chọn hình thức sở hữu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của mình.
Hình thành hệ thống tài chính nhà ở đầy đủ và hiệu quả nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, dài hạn với lãi suất phù hợp cho phát triển nhà ở, kể cả vốn cho đầu cung và tín dụng cho đầu cầu, thay vì trước đây nguồn vốn cho nhà ở chủ yếu từ các tổ chức tín dụng thương mại với nguồn vốn vay ngắn hạn, lãi suất cao.
Mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi tăng 4 chương và 26 điều so với Luật Nhà ở hiện hành.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:
Thích và chia sẻ bài này trên:
Người Việt ở nước ngoài có thể được sở hữu nhà ở tại VN
Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY
|
Tải clip phim ảnh video bài: Người Việt ở nước ngoài có thể được sở hữu nhà ở tại VN
Link download movie cine hd: Người Việt ở nước ngoài có thể được sở hữu nhà ở tại VN