Hải quân Nga: Gã khổng lồ già nua trên đại dương
(Quân sự thế giới) - Các tàu chiến của Moscow đều đã cũ và không đáng tin cậy nhưng chính phủ Nga lại đang gặp khó khăn trong việc thay thế chúng.
Hãng tin Reuters (Mỹ) có bài viết nhận định về thực trạng và tương lai của Hải quân Nga khi phần lớn các tàu chiến của họ đều đã cũ và không đáng tin cậy.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Ngày 8/5, tàu khu trực HMS Dragon của Hải quân Hoàng gia Anh đã rời căn cứ hải quân tại Portsmouth để thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp là tìm kiếm và theo sát tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, cùng 6 tàu hộ tống của Hải quân Nga đang di chuyển qua eo biển Anh.
“Trong một thời gian, không có nhóm tàu nào của Nga với quy mô như vậy đi qua các bờ biển của chúng tôi” – Rex Cox, hạm trưởng tàu HMS Dragon cho biết.
Quả thật như vậy, Hải quân Nga đã hoạt động tích cực hơn trong những tháng gần đây. Moscow đã sáp nhập bán đảo Crimea với những cảng chiến lược và khẳng định vị thế của mình bằng các nhóm quân, tàu chiến, máy bay quân sự triển khai dọc biên giới giữa Nga và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Điều này rất quan trọng đối với Kremlin bởi về mặt lịch sử, Nga gặp khó khăn trong việc duy trì các cảng nước ấm. Sáp nhập Crimea giúp Nga đảm bảo việc tiếp cận với các cảng như vậy để phục vụ hoạt động tàu thương mại và quân sự.
Tuy nhiên, lịch trình bận rộn của các hạm đội Nga lại làm lộ ra một điểm yếu tiềm ẩn. Các tàu chiến của Moscow đều đã cũ và không đáng tin cậy nhưng chính phủ Nga lại đang gặp khó khăn trong việc thay thế chúng bằng các tàu chiến mới có kích cỡ lớn và sức mạnh tương xứng.
Nga như một gã khổng lồ già nua trên đại dương đang bị bao vây bởi những đối thủ mạnh mẽ hơn.
Trong những năm cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã quyết tâm phải sánh ngang với hải quân hùng mạnh của Mỹ. Moscow đầu tư xây dựng 3 tàu sân bay trong những năm cuối thập niên 70 và trong thập niên 80, gồm tàu phi hạt nhân Kuznetsov, một tàu khác cùng loại với Kuznetsov và một tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hải quân Mỹ khi đó sở hữu 15 tàu sân bay lớn, phần lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân. Với chính sách cắt giảm lực lượng sau Chiến tranh Lạnh, ngày nay, Hải quân Mỹ chỉ còn 10 tàu sân bay hạt nhân và 9 tàu sân bay nhỏ khác.
Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết đã làm tan vỡ kế hoạch mở rộng hải quân của Moscow. Người Nga đã cố gắng chi trả cho nhà máy đóng tàu ở Ukraine để hoàn thiện Kuznetsov. Tuy nhiên, họ không có đủ tiền cho 2 chiếc tàu còn lại. Ngày nay, để chế tạo một tàu sân bay mới có thể tiêu tốn tới hàng tỷ USD.
Tàu sân bay Kuznetsov, được đưa vào biên chế năm 1991, là tàu chiến cỡ lớn “mới nhất” của Nga được đóng cho đến nay. Trong 23 năm qua, Moscow đã chế tạo được một số tàu ngầm mới, và tàu hộ hống, khinh hạm cỡ nhỏ tại nhà máy đóng tàu Sevmash trên bờ biển Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, rất nhiều tàu hải quân của Nga hiện nay và tất cả các tàu chiến cỡ lớn của họ đều là từ thời Xô Viết.
Chúng đã lỗi thời, dễ bị hư hỏng và khiến các thuyền viên không thấy thoải mái, đặc biệt là khi so sánh với các tàu chiến mới nhất của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Washington chế tạo khoảng 8 tàu chiến mới trong một năm, trong đó cứ 4-5 năm lại có một tàu sân bay mới.
Khi Moscow tới sáp nhập Crimea hồi tháng 3 vừa qua, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu sân bay USS George H.W. Bush tới phía đông Địa Trung Hải để trấn an chính phủ các nước NATO. Nhóm tác chiến tàu sân bay Bush gồm 60 máy bay chiến đấu công nghệ cao và một số tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke hiện đại của Mỹ, được trang bị tên lửa và pháo phòng không. Ngoài ra, còn có tàu ngầm và các tàu chiến mặt nước khác.
Để đáp trả, Kremlin triển khai tàu Kuznetsov, con tàu già nua, nhỏ hơn nhiều so với tàu USS George H.W. Bush, chở theo được khoảng 12 máy bay chiến đấu Sukhoi. Sáu tàu hộ tống Kuznetsov bao gồm tàu tuần dương Pyotr Velikiy (Peter Đại Đế) từ thời Xô Viết, được vũ trang hạng nặng. Năm tàu khác gồm 1 tàu đổ bộ nhỏ, 3 tàu chở dầu và 1 tàu kéo, trong đó chiếc tàu kéo là một sự thừa thãi.
Thi thoảng, khi Kuznetsov rời khỏi cảng, con tàu nhanh chóng bị hỏng. Một thủy thủ Nga đã thiệt mạng khi tàu sân bay này bị cháy trong quá trình triển khai hoạt động đến Địa Trung Hải năm 2009.
Kuznetsov theo dõi tàu Bush tại Địa Trung Hải trong vài tuần, sau đó trở về cảng nhà ở phía bắc nước Nga thông qua eo biển Anh hồi đầu tháng Năm. Đó cũng là thời điểm tàu HMS Dragon phát hiện con tàu. Để duy trì sự hiện diện lâu dài hơn tại Địa Trung Hải, Kremlin đã triển khai một tàu khu trục tương đối hiện đại nhằm cùng củng cố đội tàu Địa Trung Hải nhỏ bé của mình.
Kuznetsov không còn nhiều thời gian hoạt động. Theo tờ Defense Industry Daily, nồi hơi của con tàu đã gặp trục trặc. Khi con tàu phải tới xưởng tháo dỡ, Moscow sẽ thấy họ không có cách nào thay thế con tàu này bởi nhà máy đóng tàu chuyên trách chế tạo tàu sân bay cho Liên Xô đều thuộc về Ukraine. Nó nằm ngoài Crimea và các lực lượng Nga không thể chiếm giữ được.
Ngoài ra, Ukraine vẫn là nhà cung cấp độc quyền các thiết bị hạng nặng như động cơ, bánh răng cho các tàu chiến của Nga, ngay cả những chiếc tàu mà Nga đang chế tạo tại xưởng đóng tàu phía bắc nước này. Với diễn biến căng thẳng không ngừng leo thang, Kiev gần đây đã đình chỉ việc bán thiết bị quân sự cho Moscow.
Các nỗ lực của Nga nhằm khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu trong nước không được suôn sẻ. Năm 2005, Ấn Độ đã ký thỏa thuận 1 tỷ USD với Nga để tân trang một tàu sân bay nhỏ từ thời Xô Viết. Tuy nhiên, những gì mà Nga đã thể hiện trên tàu sân bay Vikramaditya quá tệ, tới mức con tàu gần như hỏng hoàn toàn sau khi vừa được sửa sang năm 2012.
Ấn Độ cuối cùng đã nhận được tàu Vikramaditya trong năm nay, sau khi tổng chi phí tân trang đã tăng lên gần 2,3 tỷ USD. Nếu Nga không thể tân trang nổi một tàu chiến đã hoàn thiện thì có thể tưởng tượng được sẽ khó khăn tới mức nào nếu như họ phải thiết kế và đóng mới một con tàu từ bản vẽ.
Moscow biết hải quân của họ đang gặp rắc rối. Để giải quyết phần nào vấn đề, Nga đã ký hợp đồng mua 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral của Pháp. Mỗi con tàu trị giá hơn 1 tỷ USD.
Theo kế hoạch, các nhà máy đóng tàu của Nga sẽ giúp xây dựng con tàu. Tuy nhiên, không ngạc nhiên là các nhà máy của Nga đã tỏ ra không có khả năng chuyên sâu. Năm 2013, Kremlin đã đề nghị Pháp tiếp nhận phần lớn công việc. Khi Nga sáp nhập Crimea, Pháp đứng trước áp lực phải hủy bỏ hợp đồng này. Tuy nhiên, Paris vẫn rất lưỡng lự trước việc phải từ bỏ hàng tỷ USD doanh thu. Con tàu Mistral đầu tiên đóng cho Nga đã gần hoàn thiện vào có thể được bàn giao cuối năm nay.
Tuy nhiên, việc mua 2 tàu từ Pháp không mấy tác dụng trong việc cải cách ngành công nghiệp đóng tàu Nga khi các công nhân nước này không trực tiếp tham gia chế tạo chúng. Hiện tại, với việc mất đi các nguồn cung cấp ở Ukraine, ngành công nghiệp đóng tàu Nga thậm chí rơi vào tình trạng tồi tệ hơn vài tháng trước đây.
Đó là một tín hiệu xấu cho tương lai của Nga với tư cách là một cường quốc hải quân. Việc tàu HMS Dragon kè sát đội tàu của Nga do tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov dẫn đầu di chuyển gần bờ biển nước này có thể báo hiệu một bước ngoặt mới. Trong những năm tới, những tàu chiến cỡ lớn của Nga có thể trở nên khan hiếm.
Những tác động này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức ảnh hưởng của Moscow trên thế giới và khả năng chiến thắng của nước này trong bất cứ cuộc xung đột trên biển nào.
(Theo Tri Thức)
Theo dõi NGUYENTANDUNG.ORG qua FB, G+:
Thích và chia sẻ bài này trên:
Hải quân Nga: Gã khổng lồ già nua trên đại dương
Nguyễn tấn dũng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng via http://ift.tt/1sKystY
|
Tải clip phim ảnh video bài: Hải quân Nga: Gã khổng lồ già nua trên đại dương
Link download movie cine hd: Hải quân Nga: Gã khổng lồ già nua trên đại dương